Liên kết để nâng cao hiệu quả du lịch

Liên kết là yếu tố “sống còn” đối với hoạt động du lịch, nhất là khi ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Những năm qua, hoạt động liên kết du lịch của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tăng số lượng khách du lịch các nơi khác đến Hà Nội và ngược lại, góp kích cầu du lịch trong nước, thúc đẩy ngành du lịch nâng cao chất lượng phục vụ. Từ kết quả này, hoạt động liên kết du lịch được nâng tầm, khi lần đầu Hà Nội tham gia liên kết du lịch với những trung tâm du lịch lớn nhất ở cả ba miền bắc - trung - nam.

Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách tham gia tua Giải mã Hoàng thành Thăng Long.
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách tham gia tua Giải mã Hoàng thành Thăng Long.

Du lịch Hà Nội cũng như cả nước đang từng bước phục hồi sau khi nước ta khống chế thành công đại dịch Covid-19 lần thứ hai. Liên kết vốn là nhân tố quan trọng đối với phát triển du lịch. Trong bối cảnh ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, chưa được phép đón khách quốc tế, lượng khách trong nước sụt giảm nghiêm trọng, liên kết càng trở nên quan trọng, để có thể đưa ra những sản phẩm hấp dẫn nhất, thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành sản phẩm du lịch. Những năm gần đây, Hà Nội đã ký kết các thỏa thuận liên kết du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong giai đoạn kích cầu du lịch lần thứ nhất vào đầu tháng 5-2020, ngành du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh: Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình… Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội đảm nhiệm việc kết nối, quảng bá điểm đến, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các tua du lịch an toàn, hấp dẫn. Dịch bệnh bùng phát trở lại từ tháng 7-2020 làm nhiều hoạt động bị đình trệ, nên ngay khi được phép đón khách lần thứ hai trong năm, Hà Nội khẩn trương khởi động lại các hoạt động liên kết đã triển khai từ giai đoạn trước; đồng thời, tổ chức các hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch mới.

Để “nâng tầm” hoạt động liên kết du lịch, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và năm tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sẽ tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung vào cuối tháng 11-2020. Tại cuộc họp báo công bố các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Với vị trí trung tâm, phân phối khách du lịch, Hà Nội luôn hưởng ứng các hoạt động liên kết du lịch. Liên kết để tận dụng lợi thế những nét độc đáo riêng để tạo dấu ấn, thu hút khách, thực hiện kích cầu du lịch. Ở diễn đàn lần này, cơ quan quản lý du lịch của thành phố cùng các doanh nghiệp sẽ thảo luận với các đối tác tại TP Hồ Chí Minh, năm tỉnh miền trung để mang tới các sản phẩm du lịch tốt nhất cho người dân Thủ đô; đồng thời, giới thiệu những sản phẩm hấp dẫn nhất của Hà Nội với khách miền trung và TP Hồ Chí Minh”.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: “Từ cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với 13 tỉnh miền Tây và mới đây liên kết với sáu tỉnh miền Đông Nam Bộ. Việc cơ quan quản lý, các doanh nghiệp ngồi lại với nhau đã tạo ra tua mới hấp dẫn hơn, giá cạnh tranh hơn. Khi liên kết, các địa phương đều quan tâm đầu tư cải tạo điểm đến, đào tạo nhân lực. Bước đầu ghi nhận lượng khách tăng 15% sau liên kết. Hiện tại, chúng tôi thống nhất quan điểm đẩy mạnh kết nối với các vùng miền, trong đó có miền trung và Hà Nội, tiến tới hình thành một “hệ sinh thái” của du lịch nội địa, kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố. Khi tham gia liên kết, Hà Nội và các tỉnh miền trung cũng sẽ được hưởng lợi từ việc TP Hồ Chí Minh liên kết du lịch với những tỉnh, thành phố khác”.

Hà Nội đã tham gia nhiều chuỗi liên kết du lịch khác nhau, tuy nhiên, với việc liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung, đây là lần đầu, thành phố tham gia chuỗi liên kết du lịch theo trục bắc - trung - nam với những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam Nguyễn Anh Hồng cho biết: “Vùng kinh tế trọng điểm miền trung rộng hơn 28 nghìn km2, số dân hơn sáu triệu người. Vùng kinh tế có bốn sân bay, năm cảng biển lớn. Về di sản có cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn… Ngoài ra, có những bãi biển đẹp nhất cả nước, khu dự trữ sinh quyển Bạch Mã, Cù Lao Chàm, công viên địa chất Lý Sơn... Đây là cơ sở để miền trung có thể liên kết với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy du lịch”.

Với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, Diễn đàn tập trung vào bốn nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, Phát triển nguồn nhân lực du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch, Quảng bá xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, còn tạo những diễn đàn để các doanh nghiệp du lịch có thể tìm cơ hội trao đổi, hợp tác. Đồng chí Trần Trung Hiếu cho biết thêm, Hà Nội sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp quy mô, với gần 90 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tham gia diễn đàn. Trong quá trình khảo sát, đoàn còn thực hiện các hoạt động nhân đạo hỗ trợ đồng bào miền trung. Thế mạnh của Hà Nội là du lịch văn hóa, cho nên Hà Nội sẽ “chào hàng” những sản phẩm mới như: Trải nghiệm đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tua nội đô Hà Nội 36 phố phường, Thăng Long tứ trấn, tham quan làng nghề, làng cổ... với những trải nghiệm mới. Một yếu tố mới của hoạt động liên kết du lịch lần này là yếu tố “hai chiều”. Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Cả năm tỉnh đều có văn hóa truyền thống đặc trưng. Chúng tôi sẽ xây dựng những sản phẩm du lịch kéo dài khoảng từ ba đến năm ngày cho khách du lịch. Khách từ miền trung và Thừa Thiên Huế ra Hà Nội thì chúng tôi “nhờ” địa phương giới thiệu di sản, giá trị du lịch. Sau khi nhận được thông tin từ Hà Nội, các đơn vị quản lý du lịch Huế sẽ hỗ trợ thông tin, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng tua đi Hà Nội”.