Trải nghiệm cuối tuần

Làng họa sĩ Cổ Ðô

Nằm bên dòng sông Hồng mềm mại uốn mình như dải lụa, làng Cổ Ðô (xã Cổ Ðô, huyện Ba Vì) mang trong mình vẻ đẹp hiền hòa và yên bình. Có lẽ, chính cảnh quan nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn những người nông dân, để Cổ Ðô trở thành "làng họa sĩ", một điểm dừng chân thú vị những dịp cuối tuần.

Du khách ngắm tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Ðô (huyện Ba Vì).
Du khách ngắm tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Ðô (huyện Ba Vì).

Bước trên triền đê sông Hồng những ngày cuối thu, từng cơn gió mát rượi khiến ta cảm nhận được sự thanh bình của làng quê Ba Vì. Làng Cổ Ðô được ôm ấp bởi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa bên cánh đồng xanh rì sóng lúa. Không gian yên bình với những hàng cau và mái ngói thâm nâu cổ kính. Có lẽ những sắc mầu lãng mạn đã thắp lửa đam mê cho những nông dân nơi đây để Cổ Ðô trở thành "làng họa sĩ" độc nhất vô nhị. Làng có khoảng 1.000 nóc nhà, với gần 5.000 hộ dân, thì gần như nhà nào cũng có người cầm cọ vẽ tranh. Trong đó, có gần 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ði từ đầu làng tới cuối làng, bên hiên nhà, ngoài cổng, trên bờ đê,… đâu đâu cũng bắt gặp họa sĩ đang say sưa "múa" cọ vẽ. Thầy giáo Nguyễn Trường Yên (Trường THCS Cổ Ðô) có hẳn một phòng tranh riêng tại nhà, nhiều bức đã được khách quốc tế đặt mua. Vậy mà, anh lại không dám nhận mình là họa sĩ. Anh bảo: "Họa sĩ như tôi ở làng Cổ Ðô đếm không xuể. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều coi vẽ tranh như một thú vui thường nhật. Sau giờ học, giờ làm, những lúc rảnh tay hay khi nông nhàn, lại mang giấy bút, toan, mầu ra vẽ. Cứ như vậy, không ít người đã trở thành những họa sĩ có tên tuổi trong nước và quốc tế".

Từ niềm đam mê cháy bỏng với hội họa mà các thế hệ người Cổ Ðô lớp này đến lớp khác đã sản sinh ra những họa sĩ tài năng. Bên cạnh người đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật của làng là họa sĩ Sỹ Tốt, không thể không nhắc đến những cái tên nổi bật khác trong làng mỹ thuật Việt Nam như: Giang Kích, Sỹ Luân, Trần Hòa, La Vuông… Làng Cổ Ðô có đến hai bảo tàng: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Ðô, Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt và nhiều phòng tranh gia đình khác. Tranh Cổ Ðô phần lớn mộc mạc, dung dị, lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trong đời sống hằng ngày, mang đến sự tươi vui, hứng thú cho người xem.

Cổ Ðô còn là vùng đất của những danh nhân với tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh (1458 - 1540) và tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (1700-1785). Cái duyên văn thơ vẫn được nối dài trong thời hiện đại. Có thể kể đến những cái tên như: Trần Cẩn, Linh Kha, Khánh Hữu, Nguyễn Bách, Quốc Trụ... với những tác phẩm vẫn đều đặn được xuất bản hay in trên sách báo. Ấy là chưa kể các tác giả chỉ sáng tác cho riêng mình hoặc chia sẻ với những thành viên "Câu lạc bộ văn hóa" của làng mỗi dịp sinh hoạt hằng tuần.

Nổi tiếng là làng họa sĩ, nhưng nghề lụa và bún truyền thống ở Cổ Ðô cũng vang danh không kém. Làng lụa đã dần mai một, nhưng nghề làm bún trắng, ngon, giòn, hoàn toàn không có hóa chất vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Một điểm cộng nữa cho du lịch Cổ Ðô là nơi đây có nhiều di tích văn hóa lịch sử như: đền Cẩm Sơn, chùa Cổ Ðô...

Vừa qua, huyện Ba Vì đã quyết định dành hơn 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa nhằm đưa Cổ Ðô trở thành điểm du lịch cộng đồng. Dự kiến, từ nay đến năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội và huyện Ba Vì sẽ phối hợp lắp đặt wifi miễn phí tại 12 điểm công cộng, trang trí ba tuyến đường thành con đường bích họa, lắp đặt biển chỉ dẫn, ghế đá, nhà vệ sinh, cải tạo môi trường và bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân để Cổ Ðô thu hút khách du lịch.

Ðạp xe quanh làng ngắm cảnh, chụp ảnh; tham gia các hoạt động vẽ tranh, ký họa, tập làm họa sĩ, thưởng lãm và mua tranh; thưởng thức các đặc sản sông Hồng như cá, tôm, cua, ốc; bún tiến vua,… chắc chắn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời đối với khách du lịch vào dịp cuối tuần.