Làng cổ vào tranh

Làng Cựu, ngôi làng biệt thự ở phía nam Hà Nội bỗng "nổi tiếng trở lại" nhờ ý tưởng hay của một nhóm họa sĩ. Dưới cây cọ của những họa sĩ trẻ, ngôi làng cổ càng trở nên gần gũi, thân thương. Cái đẹp của làng cổ trở nên mong manh trước sự biến đổi của cuộc sống. Triển lãm "Bóng di sản" của nhóm họa sĩ đã đánh thức tình yêu, trách nhiệm với di sản của mỗi người.

 Nhóm họa sĩ 33A tại triển lãm "Bóng di sản".
Nhóm họa sĩ 33A tại triển lãm "Bóng di sản".

Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nằm trong "bản đồ di sản" của những người yêu nét đẹp truyền thống. Nếu Ðường Lâm mang nét đẹp đậm chất truyền thống của nông thôn Việt, với những nếp nhà ba gian, năm gian lợp ngói ta, thì kiến trúc làng Cựu lại đại diện cho một giai đoạn khác của lịch sử. Ngôi làng có nhiều nhà cổ, nhưng nổi bật hơn cả là hàng chục biệt thự, ngôi nhà vừa mang nét kiến trúc truyền thống, vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp được xây dựng nửa đầu thế kỷ 20. Ðó là di sản của một thời người làng Cựu giàu lên nhờ nghề may và để lại những kiến trúc độc đáo. Dù cuộc sống đổi thay, nhưng nhiều nét đẹp vẫn được gìn giữ.

Từ lâu, làng Cựu là điểm đến của người mê nhiếp ảnh và được công chúng biết đến nhiều nhất qua nhiếp ảnh. Nhưng bây giờ, làng Cựu được tái hiện dưới góc nhìn mới, góc nhìn hội họa. Nhóm họa sĩ 33A xây dựng dự án "Ðánh thức di sản". Và "điểm dừng chân" của họ lần này là làng Cựu. Chín họa sĩ của nhóm gồm: Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Ðông, Cấn Mạnh Tưởng, Ðạt Phú, Tuấn Ðạt, Nguyễn Thế Long, Nguyễn Minh đã đến làng Cựu thực hiện chuyến điền dã. Họ ăn, ở cùng dân làng để cảm nhận những nét đẹp của ngôi làng cổ. Mỗi người có những cảm nhận riêng và thể hiện cảm nhận của mình qua những phong cách khác nhau. Họ đã đem thành quả những ngày lao động của mình đến triển lãm "Bóng di sản" (từ ngày 22 đến 26-5, tại Nhà triển lãm số 29 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm).

Không phải ai cũng rành về hội họa và tranh của những họa sĩ nhóm 33A cũng thuộc những trường phái khác nhau, nhưng ở cả 50 bức tranh đem đến triển lãm, người xem cảm nhận ngay được những nét đẹp gần gũi, thân thương. Ðó là một con ngõ với mảng tường bong tróc, một chiếc cổng nước sơn đã phai mầu bên mái ngói lô xô… Có họa sĩ lại đặc tả những ô cửa sổ, hay những hoa văn trang trí của một ngôi nhà...; cũng có thể là chiếc ấm trên bếp lửa đã đen mầu khói, hay những chiếc máy khâu, vốn là "bảo vật" của ngôi làng. Một điểm chung của những bức tranh, là sự tĩnh lặng. Ðó cũng chính là cảm nhận của những họa sĩ khi đến với làng Cựu. Người làng đã đi làm ăn nhiều nơi xa. Trong làng, chủ yếu chỉ có người già và trẻ nhỏ. Ðường làng thường xuyên vắng lặng. Những nét đẹp xưa cũ ở làng Cựu đang bị xô đẩy bởi thời cuộc. Nhiều ngôi nhà cổ đã bị phá đi, thay thế bằng những ngôi nhà bê-tông cốt thép. Những câu chuyện ấy có thể không được phản ánh trực tiếp ở trong tranh, nhưng nó đem đến nét buồn man mác ở hầu hết các tác phẩm. Và chính điều đấy khơi gợi trong mỗi người những xúc cảm, những trách nhiệm đối với di sản. Tham quan triển lãm, chị Nguyễn Hồng Hạnh (Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Ðông) chia sẻ: "Tôi từng đến làng Cựu và rất mê những ngôi nhà cổ ở đây. Các bức họa đã nói lên nhiều điều. Không gian của làng Cựu thể hiện sự giao thoa văn hóa Ðông - Tây nhưng vẫn đậm chất Việt. Tôi nghĩ những không gian như làng Cựu không nhiều, chúng ta cần chung tay để không bị mất đi".

Nói về những bức họa tại triển lãm "Bóng di sản", họa sĩ Nguyễn Minh cho biết: "Các di sản văn hóa là nguyên liệu để cho nghệ sĩ sáng tạo. Cái khó và cũng là thử thách cho các nghệ sĩ là cũng với những nguyên liệu ấy, bạn phải mang được vào đó hơi thở đương đại của một tư duy mới, mà không làm biến dạng hoặc mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó".

Có nhiều biện pháp khác nhau để bảo tồn di sản, tuyên truyền để mọi người cùng chung tay bảo tồn. Trước đây, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, nơi tập hợp nhiều họa sĩ chuyên và không chuyên từng làm lay động cảm xúc người xem bằng những bức ký họa về di sản đô thị, từ những con phố cổ, phố cũ, hay cả những khu tập thể đã sập xệ, xuống cấp. Bây giờ, một lần nữa, công chúng lại thấy được giá trị của hội họa trong việc bảo tồn những di sản cha ông. Những bức họa ở triển lãm "Bóng di sản" được nhiều người kỳ vọng là chất xúc tác cho công tác bảo tồn di sản, khi lan tỏa tình yêu của những họa sĩ tới cộng đồng.