Làm việc trực tuyến trong mùa dịch

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành được nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội lựa chọn. Cách làm này đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực khi vừa bảo đảm hiệu quả công việc, vừa góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức kinh doanh, làm việc trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Ảnh: QUANG PHÚC
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức kinh doanh, làm việc trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Ảnh: QUANG PHÚC

Bảo đảm công việc thông suốt, hiệu quả

Sáng 1-4, tại báo Hànộimới, cơ quan thông tin chủ lực của thành phố, chỉ có tám người tại trụ sở để đảm trách những công việc hành chính và chuẩn bị cho việc xuất bản số báo ra ngày hôm sau. Ngay từ đầu tháng 3, khi Chính phủ và thành phố khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, báo đã nhanh chóng áp dụng cơ chế làm việc trực tuyến đối với phóng viên. Các cuộc họp của Đảng ủy, Ban Biên tập và giao ban cán bộ chủ chốt, giao ban chuyên môn mỗi sáng, giao ban xuất bản, họp đột xuất... đều được thực hiện thông qua ứng dụng họp trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập báo Hànộimới cho biết: Từ ngày 1 đến hết ngày 15-4, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, số lượng cán bộ, phóng viên, người lao động đến cơ quan được giảm đến mức thấp nhất, cho nên làm việc trực tuyến càng được chú trọng. Cơ quan đã gửi thông báo đến từng cán bộ, phóng viên về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, quy định rõ chế độ làm việc của từng bộ phận, phòng, ban. Tất cả cán bộ, phóng viên của báo điện tử, các ban chuyên môn, Phòng Kế hoạch và Phát triển được yêu cầu làm việc tại nhà. Ban Thư ký tòa soạn giảm 60% lượng người trực tiếp đến cơ quan làm việc. Cán bộ, phóng viên những bộ phận buộc phải đến cơ quan đều được kiểm tra thân nhiệt, ghi lại thông tin đầy đủ để tiện theo dõi và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất 2 m khi làm việc. Dù làm việc tại đâu thì mỗi người lao động đều tự ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tốt nhất chất lượng công việc. “Diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, Hà Nội là thành phố lớn, Thủ đô của cả nước, dòng chảy thông tin liên tục, cho nên Ban Biên tập luôn động viên cán bộ, phóng viên, người lao động khắc phục khó khăn, giữ an toàn tuyệt đối trong quá trình tác nghiệp, bảo đảm thông tin thông suốt, hiệu quả để các ấn phẩm của báo đến với bạn đọc kịp thời, mang hơi thở của cuộc sống”, ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Tại UBND quận Tây Hồ, ngoài Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ứng trực đủ 100% quân số, các bộ phận khác đã chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà từ sáng 1-4. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố, ngay trong đêm 31-3, quận đã triển khai phương án làm việc mới đến cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và thủ tục hành chính “một cửa” quận vẫn bố trí cán bộ trực để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu đột xuất của người dân. Thời gian qua, quận đã tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, triển khai mới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực tư pháp, thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính bằng phần mềm một cửa điện tử dùng chung ba cấp của thành phố, cho nên vẫn bảo đảm yêu cầu khi có giao dịch. Quan điểm chỉ đạo của quận trong thời điểm này là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc trực tuyến, thường xuyên giữ liên lạc và bảo đảm hiệu quả công việc thông suốt.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ, tối 31-3, TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp cần thiết mới đến làm việc tại cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lập danh sách cán bộ công chức, người lao động đến cơ quan đơn vị làm việc; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại cơ sở. Dù văn bản chỉ đạo của thành phố được ban hành vào tối 31-3, song tại các quận, huyện, thị xã và cơ quan của thành phố, việc triển khai đã được thực hiện nhanh chóng.

Trên thực tế, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, ba tháng qua, nhiều cơ quan, đơn vị của Hà Nội đã tận dụng triệt để thế mạnh từ công nghệ, chủ động triển khai nhiều hình thức họp và làm việc mới phù hợp và hiệu quả như họp trực tuyến, chỉ đạo điều hành công việc thông qua các nhóm zalo… Nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, giao ban của quận, huyện, thị xã đã được tổ chức trực tuyến. Nhờ vậy, những chỉ đạo của cấp trên được cán bộ cơ sở lĩnh hội kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng điều hành công việc. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng nhiều cơ quan, ban, ngành của thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các cuộc họp trực tuyến và số lượng ngày càng tăng mạnh trong ba tháng qua. Điển hình là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; các quận: Long Biên, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ.

Cùng với cả nước các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến, bảo đảm hiệu quả công việc thông suốt. Đây cũng là cách để mỗi cán bộ, công chức, nhân viên của thành phố góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh chung của thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc cũng góp phần đặt nền móng để Hà Nội đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, từng bước tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.