Làm sống lại nhiều phong tục cổ truyền trong dịp xuân mới

Ðể đáp ứng nhu cầu đón Tết, vui xuân của nhân dân Thủ đô, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Nổi bật trong số đó là hoạt động đón Tết ở Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, giúp người dân có thêm không gian vui chơi, thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.

Học sinh Trường phổ thông liên cấp Ngôi Sao trải nghiệm Tết tại Hoàng thành Thăng Long.
Học sinh Trường phổ thông liên cấp Ngôi Sao trải nghiệm Tết tại Hoàng thành Thăng Long.

Những ngày này sắc xuân đã tràn ngập khu di sản Hoàng thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Ðình). Trên nền của Ðoan Môn cổ kính, trầm mặc, những tiểu cảnh sắp đặt tạo nên không khí ấm áp, rộn ràng. Ðó là những chiếc chong chóng, nón lá, chuông gió, đèn lồng... những hình ảnh chắt lọc từ tranh dân gian như: đấu vật, lợn đàn... Những câu đối, chữ viết thư pháp được sắp đặt và “biến tấu” trên nhiều chất liệu khác nhau: Mây, tre, giấy... vừa đậm nét truyền thống, vừa có dáng dấp hiện đại. Tất cả tạo nên những địa điểm check-in lý tưởng cho khách tham quan. Nếu không gian tại quảng trường Ðoan Môn nhiều sắc mầu, thì với chủ đề “Nét bút ngày Xuân”, tại không gian trưng bày trong nhà, những hình ảnh, tư liệu chủ đạo là những hoạt động của nhà Nho thời xưa, với “văn phòng tứ bảo” gồm: Giấy, mực, bút, nghiên cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, những lời hay ý đẹp được thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tài hoa và độc đáo. Qua đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu một số phong tục đẹp còn lưu giữ đến ngày nay như: Phong tục viết câu đối, khai bút, xin chữ và cho chữ đầu xuân, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng hiền tài. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trải nghiệm khác như: không gian cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống; trải nghiệm viết thư pháp, viết câu đối, gói bánh chưng, làm bưu thiếp, hoa giấy... và các trò chơi dân gian.

Từ trước Tết, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giúp các em học sinh có những trải nghiệm thú vị về Tết Việt truyền thống. Ðặc biệt, trong ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức khôi phục nhiều phong tục xưa, nổi bật trong đó là có tục dựng cây nêu ngày Tết. Trưởng phòng Hướng dẫn, thuyết minh Nguyễn Thị Kim Yến cho biết: “Trước đây, cây nêu được dựng lên ở trước cửa nhà để trừ ma quỷ, cũng là báo hiệu Tết đến xuân về; với mong ước một mùa xuân tươi vui, một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Bây giờ không nhiều người biết đến phong tục này. Việc tổ chức lễ dựng cây nêu để mọi người hiểu thêm về phong tục xưa”. Cùng với lễ cúng Táo quân, Ban Tổ chức sẽ thả cá chép tại dòng sông cổ được phát hiện khi khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.

Ðón Tết Canh Tý, một cây nêu lớn cũng được Ban Quản lý phố cổ Hà Nội dựng tại đình Hàng Bạc (số 42-44, phố Hàng Bạc). Năm nay, các hoạt động mừng xuân mới tại khu vực phố cổ đã được triển khai từ ngày 10-1. Không gian của phố bích họa Phùng Hưng được gắn kết với phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược, tạo thành một không gian văn hóa lớn. Toàn bộ khu vực được tổ chức thành phố đi bộ. Cùng với trải nghiệm các hoạt động mua sắm tại phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược, khách tham quan được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Tranh dân gian, con giống đất...; tìm hiểu nghề mây tre đan, nghề gốm, nghề gỗ mỹ nghệ và các hoạt động viết thư pháp, trò chơi dân gian... Bắt đầu từ ngày 24 tháng Chạp, chuỗi các hoạt động mừng xuân tại các điểm di tích: Ðình Kim Ngân, Ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Ðào Duy Từ), Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội (28 phố Hàng Buồm)... bắt đầu trở nên sôi nổi với chủ đề “Tết Phố”. Trong đó, tại đình Kim Ngân diễn ra nhiều hoạt động khôi phục lại các phong tục cổ truyền của người dân phố cổ xưa. Ban Quản lý phố cổ Hà Nội còn phối hợp người dân khu vực phố Hàng Bạc tổ chức sắp mâm lễ của các gia đình, dòng họ ở Hà Nội dâng cúng các lễ vật đặc trưng tại đình Kim Ngân; tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân trong trang phục truyền thống..., trình diễn hát, múa cửa đình, hát xoan, múa bồng, hát chèo, hát văn...

Tại đình Kim Ngân trưng bày không gian sinh hoạt Tết. Tại đây cũng diễn ra tọa đàm về phong tục truyền thống Tết của người Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống. Tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội trưng bày giới thiệu hình tượng chuột trong văn hóa dân gian. Ngoài ra, tại Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội còn giới thiệu nét đẹp của ba dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Ðông Hồ, Kim Hoàng.

Tết Canh Tý đang đến gần, ngoài những địa điểm kể trên, nhiều cơ quan, đơn vị văn hóa trên địa bàn tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội. Nhiều phong tục đẹp được khôi phục, giới thiệu với công chúng. Qua đó, giúp người dân Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống.