Ký ức từ nhịp trống chèo

Ai yêu âm nhạc truyền thống, nếu có thể hát được vài làn điệu chèo, mới thấm hết hồn quê Bắc Bộ trong từng nhịp phách, mới thấy hết ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa trong cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình trong mỗi câu hát. Trải qua bao thế kỷ, chèo thấm vào đời sống dân gian, không kể nông thôn hay thành thị, qua những câu hát, lời ru của bà, của mẹ. Muốn thấy được cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, phải thật sự đắm mình trong không gian của các chiếu chèo hay sân khấu biểu diễn. Chèo là loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn hóa lúa nước, gần gũi với đời sống, được dạy theo lối truyền khẩu cho nên có sức sống lâu bền và độc đáo.

Vở chèo "Quan âm Thị Kính" do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Vở chèo "Quan âm Thị Kính" do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Người yêu chèo Thủ đô vẫn hoài niệm và luyến tiếc một thời các nhà hát chèo luôn sáng đèn mỗi tối. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước có thể coi là thời kỳ "thịnh" của nghệ thuật chèo, không chỉ ở sân khấu dân gian mà ngay trong sân khấu "hộp". Khán giả muốn xem hát chèo nhiều khi phải xếp hàng mua vé trước đó vài tuần. Nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn trong niềm tự hào được cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Ngoài các vở chèo cổ cần bảo tồn, các lớp nghệ sĩ còn dày công tìm tòi, sáng tạo, mang lại cho chèo một diện mạo mới mà vẫn không rời xa cái "gốc" của chèo. Năm 1983, với Nàng Si-ta (kịch bản: Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ; chuyển thể chèo: Việt Dũng), Đoàn chèo Hà Nội đã gây tiếng vang lớn, bởi tập hợp được tất cả những "cái nhất" mà bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng mong: kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Vở Nàng Si-ta nổi tiếng đến mức Ðoàn chèo Hà Nội được dân gian quen gọi là Ðoàn Nàng Si-ta.

Thế nhưng, chèo hay bất cứ môn nghệ thuật truyền thống nào đều chịu sự chi phối của quy luật thị trường, cũng như sự thăng trầm của cuộc sống. Có lúc tưởng như nghệ thuật chèo bị mai một và chìm dần vào quên lãng. Sự "bùng nổ" các loại phương tiện thông tin đại chúng, kỹ thuật nghe nhìn... khiến công chúng rời xa rạp hát, chiếu chèo tan rã dần; nhiều nghệ sĩ đành rẽ ngang, để lại niềm đau đáu cho những nghệ sĩ chân chính quyết tâm phục dựng vị trí của chèo…

Với niềm đau đáu ấy, các nhà hát nỗ lực giành lại yêu mến của khán giả. Người yêu nghệ thuật chèo cũng dành tình cảm để cùng các nghệ sĩ thắp sáng sân khấu mỗi tuần. Đến Nhà hát Chèo Hà Nội để được sống lại ký ức khi nghe những làn điệu thuở nào, để bồi hồi như trở lại ngày xưa, mà chợt thấy mình đã quá vô tình với nghệ thuật truyền thống. Sau mỗi trích đoạn Vỡ nước, Chí Phèo - Thị Nở, Từ Thức gặp Tiên, Mưu cao Thị Hến..., là cảm nhận những sâu lắng, xót xa. Không ít trích đoạn đã làm nhiều người xem rơi nước mắt.

Mới đây, với chương trình “Năm cung chèo”, Nhà hát Chèo Việt Nam đã nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống trở về gần hơn với khán giả. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác vốn cổ với trọng tâm là các làn điệu chèo truyền thống, trình diễn trên nền nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra còn có sự góp thanh của cồng chiêng, đàn ghi-ta điện là hai loại nhạc cụ phá cách được đem vào trình diễn. Trong không gian nghệ thuật ấy, chỉ với đôi que gõ và năm cái trống, ba nghệ sĩ Anh Tuấn, Điền Vũ và Trọng Khánh đã mang lại một tiết mục gõ đặc sắc, thu hút khán giả mọi lứa tuổi, trong nước và khách du lịch nước ngoài. Một sự sáng tạo mang lại nhiều trải nghiệm mới cho người yêu âm nhạc truyền thống.

Người yêu chèo có thể thỏa mãn đam mê với nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Chèo Hà Nội (15 phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) hoặc Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1, phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình) hay đơn giản là tại Đền Vua Lê, trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm những ngày cuối tuần. Đến, thưởng thức và thắp thêm hy vọng thế hệ sau vẫn tìm thấy nét quyến rũ, thấy rung động bởi tiếng trống chèo…