Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với những thay đổi lớn

Hơn 85 nghìn thí sinh tại Hà Nội vừa vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trong hai ngày 2 và 3-6 an toàn, nghiêm túc.

Phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên. Ảnh: MỸ HÀ
Phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên. Ảnh: MỸ HÀ

Câu hỏi thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9

Trưa 3-6, các thí sinh thở phào khi vượt qua môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội. Đây là năm đầu tiên các em phải thi tới bốn môn và cũng là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra cách xét tuyển mới, bằng cách lấy điểm thi bốn môn để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Theo quy định, hai môn Ngữ văn và Toán giữ nguyên hình thức thi tự luận như những năm trước, thời gian làm bài 120 phút/môn, điểm thi Ngữ văn và Toán được tính hệ số 2; bài thi môn Ngoại ngữ kết hợp tự luận và trắc nghiệm; còn môn Lịch sử được thi theo hình thức trắc nghiệm. Cả hai môn này đều có thời gian làm bài 60 phút/môn.

Em Nguyễn Duy Việt Đức, học sinh THCS Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, việc thi thêm hai môn trắc nghiệm không khiến em quá lo lắng vì em đã được chuẩn bị kỹ. “Riêng với Ngoại ngữ, một số bạn sẽ bị áp lực bởi nếu không học chắc kiến thức từ các năm học trước, mà chỉ đến lớp 9 mới tập trung học. Khác với môn Lịch sử, chúng em chỉ cần học thuộc và ghi nhớ kiến thức học năm lớp 9 là làm bài tốt” - em Đức cho biết.

Được biết, để tránh áp lực cho học sinh, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử chủ yếu rơi vào chương trình lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp; tức là đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong sách giáo khoa bộ môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. “Những câu hỏi trong bài thi lần này chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của các học sinh. Đó là những nội dung quen thuộc, các em học sinh đã được kiểm tra ở trường, không dàn trải, không gây áp lực cho thí sinh”- ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết.

Đề thi môn Ngữ văn khơi gợi tư duy sáng tạo

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội sau nhiều năm bị cho là quá an toàn, không đổi mới, thì năm nay đã có nhiều đánh giá tích cực hơn. Ở Phần I, đề thi hỏi theo cách truyền thống về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ… Điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở Phần II, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây có thể là một bất ngờ với các thí sinh, nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9.

Cô Nguyễn Kim Thanh, giáo viên Trường THCS Hoàn Kiếm chia sẻ, đây là một trong những đề cô thích nhất, bởi khơi gợi tư duy sáng tạo của học sinh, tạo cảm hứng văn học cho thí sinh làm bài. Đây chính là phần bài thi có thể phân loại được học sinh khá, giỏi. Đoạn trích của nhà văn Nguyễn Lương yêu cầu thí sinh thể hiện suy nghĩ một cách nghiêm túc về câu chuyện thực tế trong cuộc sống. “Trong cuộc sống hằng ngày có những người gặp biến cố mà thay đổi, bản thân tự vượt lên hoàn cảnh, nhưng cũng có những người vì gặp biến cố mà thấy bi quan, lấy lý do để trì hoãn, thậm chí thụt lùi… Chính vì vậy đề thi năm nay được đánh giá là hay, giúp học sinh có tư duy tích cực” - cô Thanh nhấn mạnh.

Với đề thi Toán năm nay, Nguyễn Phương Linh, học sinh Trường THCS Trưng Vương cho biết, lâu nay đề thi mới xuất hiện câu hình học không gian, tuy nhiên câu hỏi không khó. Tổng thể đề thi Toán khá vừa sức, chỉ cần nắm vững công thức trong sách giáo khoa, suy luận thêm là làm được. Đề thi chỉ có câu cuối thuộc phần kiến thức nâng cao, nhưng chỉ chiếm 0,5 điểm, cho nên không đáng ngại. Đánh giá về đề thi môn Toán của Hà Nội lần này, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, đề thi có câu hỏi hình không gian – một phần vốn không xuất hiện trong các năm về trước. Tuy nhiên, câu hỏi này không khó, thí sinh nắm chắc kiến thức phổ thông đều có thể làm được. Câu hỏi khó nhất đề năm nay là câu dành cho học sinh muốn lấy điểm 10 thuộc chuyên đề bất đẳng thức và cực trị, dạng toán tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Dự đoán phổ điểm môn Toán năm nay khoảng 7 điểm và điểm 10 sẽ có nhiều hơn năm trước.

Với số lượng thí sinh dự thi đông (hơn 85 nghìn thí sinh) tại 169 điểm thi, công tác bảo đảm an toàn kỳ thi được đặt lên hàng đầu. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sở bố trí 11 nghìn cán bộ tham gia tổ chức trông thi. Đặc biệt, các cán bộ trông thi bị cấm hoàn toàn việc sử dụng thiết bị truyền thông cá nhân trong thời gian diễn ra các buổi thi để tránh lộ lọt đề thi.

Trong bốn buổi thi, có hơn 520 thí sinh vắng mặt, tám trường hợp vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, trong đó có năm thí sinh bị đình chỉ, ba trường hợp còn lại bị khiển trách. Đáng chú ý, có hai thí sinh dự thi THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ bị đình chỉ thi vì mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.