Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đi đôi bảo đảm an toàn phòng dịch

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước được nới lỏng giãn cách xã hội, từ ngày 24-4, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại trong điều kiện vẫn bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số biểu hiện chủ quan, không chấp hành các quy định về phòng dịch, đòi hỏi các cấp chính quyền tiếp tục quản lý chặt chẽ, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Với tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, một quán cơm ở phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) đã lắp những vách ngăn để thực hiện giãn cách cho khách hàng. Ảnh: TOÀN VŨ
Với tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, một quán cơm ở phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) đã lắp những vách ngăn để thực hiện giãn cách cho khách hàng. Ảnh: TOÀN VŨ

Ngay từ sáng 24-4, hoạt động tại các cơ quan, công sở trên địa bàn Hà Nội trở lại bình thường, cùng với việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đầu giờ sáng thứ hai 27-4, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính (bộ phận Một cửa) UBND quận Long Biên đã có nhiều công dân đến làm việc. Tại cửa ra vào, các công dân khi đến làm việc được đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay bằng cồn y tế, nếu số lượng người vượt quá quy định sẽ được bố trí ngồi chờ ở khu vực riêng biệt.

Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Khánh Long cho biết, từ sáng 24-4, tất cả 241 cán bộ, công chức công tác tại trụ sở UBND quận đã trở lại làm việc, thay cho phương án 20% số người làm việc ở cơ quan, số còn lại làm việc tại nhà như trong thời gian giãn cách xã hội. Hằng ngày, các cán bộ đến sớm hơn 15 phút để vệ sinh, diệt khuẩn bàn làm việc, máy tính và các dụng cụ cá nhân. Khách đến trụ sở UBND quận để liên hệ công tác, làm thủ tục hành chính, ngoài việc được đo thân nhiệt, khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, còn được nhân viên bảo vệ yêu cầu cung cấp rõ các thông tin cá nhân của bản thân và người đến liên hệ để tiện cho việc theo dõi, rà soát khi cần thiết. Các cuộc họp tại trụ sở được tổ chức trong diện hẹp, với thành phần không quá 20 người/cuộc. Đồng chí Nguyễn Khánh Long cho biết, từ ngày 28-4, quận bắt đầu triển khai các cuộc họp, giao ban trực tuyến với các đơn vị và sẽ duy trì, quản lý việc này đến khi nào hết nguy cơ của dịch Covid-19.

Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cho phép dịch vụ xe buýt được hoạt động trở lại, ngay trong đêm 22-4, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) lên phương án bố trí hơn 100 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ sáng 23-4. Cho đến nay, mỗi ngày, đơn vị có 2.270 lượt xe hoạt động với tần suất 45 phút - 60 phút - 90 phút/lượt tùy theo từng tuyến (tương đương 20 đến 30% công suất phục vụ). Phó Tổng Giám đốc Transerco, Ngô Xuân Phú cho biết, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như các ghế xe được dán giấy nhắc nhở hành khách bảo đảm cách nhau tối thiểu 1 m; mỗi xe chỉ được chở dưới 50% số ghế; toàn bộ lái xe và nhân viên trên các tuyến xe buýt đều phải đeo khẩu trang, trên xe trang bị dung dịch sát khuẩn…

Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Vũ Hà cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị quản lý bến xe trên địa bàn thành phố phối hợp các bến xe, đơn vị vận tải bố trí phương tiện, lốt giờ hoạt động, bảo đảm tối đa 30% theo biểu đồ trong ngày. Các bến xe và nhà xe cũng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Mọi hành khách đều phải đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang suốt hành trình. Sau ngày đầu hoạt động trở lại thưa vắng, các bến xe cũng đang dần thu hút khách trở lại.

Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội trong những ngày qua đã đông khách trở lại. Aeon Long Biên, Times City, Royal City, Vincom Bà Triệu đều tiến hành khử trùng, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc tại các khu vực công cộng, phủ ni-lông lên toàn bộ các nút bấm thang máy, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn kết hợp đo thân nhiệt.

Trên các tuyến phố, hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống đã bắt đầu đông đúc trở lại. Anh Lê Vũ Dương, chủ quán cà-phê số 6 phố Lê Thánh Tông cho biết, sau khi mở cửa trở lại, lượng khách hàng đã đông dần lên. Dù doanh thu chưa được như trước khi dịch xảy ra, nhưng cũng khiến cho chủ quán rất phấn khởi sau thời gian dài tạm nghỉ. Một số quán cà-phê đã kê lại bàn ghế trong quán để bảo đảm khoảng cách theo quy định. Nhiều quán bán hàng ăn như hàng cơm ở số 61 phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), phở Thịnh ở phố Tôn Đức Thắng… lắp đặt thêm các vách ngăn trên bàn ăn, chỉ nhận một lượng khách vừa đủ để bảo đảm giãn cách xã hội, giúp khách hàng đến ăn thấy yên tâm hơn. Bên ngoài quán còn đặt sẵn bình nước rửa tay để khách sử dụng trước khi vào ăn và sau khi ra về.

Tại một số chợ dân sinh, việc chấp hành khoảng cách an toàn không được thực hiện, nhất là tại các chợ cóc, chợ tạm. Tại chợ Thạch Bàn (quận Long Biên), vào 7 giờ sáng 27-4, rất nhiều người bán hàng ngồi sát nhau trên vỉa hè, người mua hàng cũng đứng gần. Tại lối ra vào chợ có bảng yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào chợ nhưng theo quan sát, hầu như mọi người đều đi qua mà không thực hiện. Tại các chợ trên phố Thanh Hà, Yên Thái, ngõ Cầu Gỗ, tình trạng lộn xộn lại tái diễn, nhiều người mua không tuân thủ việc mua hàng sau vạch vôi kẻ sẵn.

Cho đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước. Hiện nay trên địa bàn thành phố còn hai ổ dịch tại huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn đang trong thời kỳ bị phong tỏa. Do vậy, mặc dù thành phố đã được nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng không thể chủ quan, lơ là. Việc mở cửa hoạt động trở lại hầu hết các dịch vụ trong đời sống xã hội là cần thiết để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, không để phát sinh ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng hoặc để dịch bệnh bùng phát trở lại.