Khi cấp ủy cùng vào cuộc

Không “khoán trắng” cho các cấp chính quyền, nhiều cấp ủy tại Đảng bộ Hà Nội đã cùng vào cuộc tham gia triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và đạt hiệu quả cao. Đây là kinh nghiệm quan trọng cần được tiếp tục thực hiện nhân rộng hơn trong thời gian tới.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 2 thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng đã cơ bản hoàn thành.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 2 thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng đã cơ bản hoàn thành.

Tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), phong trào “Dân vận khéo” được vận dụng bài bản, linh hoạt trong công tác giải phóng mặt bằng. Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận khu dân cư số 9 phường Thụy Khuê Trần Văn Hòa cho biết, những năm qua, tổ đã tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao đất xây dựng Trường tiểu học Chu Văn An và nhà khách Bộ Quốc phòng. Từ năm 2017 đến nay, Tổ dân vận tích cực tham gia vận động giải phóng mặt bằng đường Văn Cao - Hồ Tây. "Với 82 hộ dân phải bàn giao đất cho dự án, công tác vận động gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, Tổ dân vận khu dân cư số 9 đã tham mưu cho chi bộ, vận động người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách thu hồi đất, giữ vững ổn định chính trị tại khu dân cư, đến nay chưa phải cưỡng chế trường hợp nào", ông Trần Văn Hòa cho biết.

Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường, nhờ toàn bộ 92 chi bộ khu dân cư có Bí thư chi bộ là tổ trưởng tổ dân vận, những năm qua, công tác dân vận tại quận Tây Hồ luôn huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và có tính lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng, có nội dung, hình thức phù hợp đặc điểm của từng địa phương, mở rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần giúp các tầng lớp nhân dân trong quận đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của toàn quận.

Tại quận Hai Bà Trưng, vai trò cấp ủy cũng được thể hiện rõ trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thí dụ như dự án đường vành đai 2, ngay từ khi bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng, Thường trực Quận ủy thường xuyên đi thực địa để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị. Khi bước vào giai đoạn thực hiện nước rút năm 2019, Quận ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, đối thoại, tạo sự đồng thuận của người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nghiêm túc chấp hành quy định. Đến nay, quận đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng gần 400 phương án đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động. Đoạn từ cầu Mai Động đến Ngã Tư Vọng đã có 887 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gồm 26 tổ chức và 861 hộ dân) được phê duyệt, 705 hộ và 11 tổ chức đã nhận tiền, 417 hộ dân và 10 tổ chức đã phá dỡ bàn giao mặt bằng, bảo đảm yêu cầu tiến độ của thành phố.

Rõ ràng, khi cấp ủy cùng vào cuộc, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại các địa phương hiệu quả hơn rất nhiều. Từ tình hình thực tế trên địa bàn, mỗi cấp ủy đều chọn những thế mạnh, hay những việc mới, việc khó để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với chính quyền triển khai, thực hiện. Như quận Đống Đa, không phải ngẫu nhiên các năm gần đây quận đều nằm trong nhóm các quận thu ngân sách dẫn đầu thành phố, đều đạt trên dưới 10 nghìn tỷ đồng. Thường trực Quận ủy phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách và chịu trách nhiệm từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể. Nơi nào có khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, lãnh đạo quận đều cùng tham gia giải quyết hoặc đề nghị lên cấp trên để có hướng tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp. Nhờ đó, số thu ngân sách tăng cao theo từng năm.

Ở cấp thành phố, giải pháp này cũng được Thành ủy áp dụng. Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, Ban Thường vụ Thành ủy còn chỉ đạo, xây dựng một số nghị quyết quan trọng, mang tính “thời sự” cao như phát triển du lịch, giải phóng mặt bằng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý nhà chung cư. Các nghị quyết này đều được các đồng chí trong Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên. Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn

2016 - 2020 và những năm tiếp theo” cho thấy tầm nhìn và tính đúng đắn cao. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt cùng những cơ chế, chính sách cụ thể, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành cả bốn chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (chỉ tiêu về khách du lịch đến Hà Nội; tổng thu từ khách du lịch; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú; đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch). Đáng chú ý, về lượng khách du lịch, trong giai đoạn 2016 - 2019, theo ước tính, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân ước đạt 10,1%/năm, trong đó ước tính năm 2019 đạt 28,945 triệu lượt khách. Trong giai đoạn 2016 - 2019, mức tăng trưởng bình quân khách du lịch quốc tế đạt 21,2%/năm, hoàn thành sớm hai năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội được đề ra tại Nghị quyết.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, sự thành công của các nghị quyết chuyên đề là kinh nghiệm quan trọng để các cấp ủy của thành phố tiếp tục áp dụng, triển khai trong thời gian tới, để vừa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.