Khai thác hiệu quả công trình hạ tầng nông thôn

Với sự quan tâm đặc biệt của thành phố, trong thời gian qua, khu vực nông thôn Hà Nội được đầu tư rất lớn để cải tạo, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ người dân. Tuy nhiên, một số công trình chưa được sử dụng, khai thác hiệu quả, gây lãng phí.
Đoạn đường đê tả sông Nhuệ qua xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên xuống cấp, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Ảnh: ĐỖ HÀ
Đoạn đường đê tả sông Nhuệ qua xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên xuống cấp, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Ảnh: ĐỖ HÀ

Đê sông Nhuệ, đoạn qua xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), với chiều dài gần 4 km, là tuyến giao thông huyết mạch giúp người dân các xã Chuyên Mỹ, Phú Túc, Hoàng Long kết nối với trung tâm huyện, nhưng chỉ có đoạn từ Km51+508 đến Km51+630 được cứng hóa mặt đê bằng bê-tông, các đoạn còn lại là đường đất. Mỗi khi có mưa, các phương tiện cơ giới đi qua gây lún sụt, tạo các ổ trâu, ổ gà; mặt đường trơn trượt, nhất là đoạn từ thôn Ngọ đến thôn Bối Khê dài khoảng 1,77 km hư hỏng nặng. Đoạn đường đã đổ bê-tông cũng xuống cấp, nhiều khu vực bị lún, nứt tạo thành các hố sâu, cộng với bờ đê có độ dốc lớn, cho nên rất nguy hiểm mỗi khi hai ô-tô tránh nhau. Không chỉ có địa bàn xã Chuyên Mỹ, mặt đê nhiều khu vực khác như tại xã Tân Dân, Phú Yên, Hồng Minh (cùng thuộc huyện Phú Xuyên)… cũng nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Vì thế, việc toàn bộ hệ thống đê sông Nhuệ thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên được đầu tư, cải tạo nâng cấp trong giai đoạn 2019 - 2020, với hai dự án, gồm dự án từ bờ hữu cầu Đồng Quan đến cầu Tân Dân, bờ tả cầu Tân Dân đến cầu cống Thần, dài gần 14 km và dự án từ bờ tả cầu Đồng Quan đến cầu Tân Dân, bờ hữu từ cầu Tân Dân đến cầu cống Thần, từ cầu cống Thần đến cầu Thống Nhất, với chiều dài gần 19,5 km, được người dân rất mong đợi. Tuy nhiên, băn khoăn lớn của người dân là việc khai thác, sử dụng hiệu quả tuyến đường đê sau khi được đầu tư cải tạo. Anh Nguyễn Văn Chiến, người dân xã Chuyên Mỹ cho biết, hơn hai năm trước, một số đoạn đê qua xã được đầu tư đổ bê-tông chắc chắn, giúp người dân trong xã chuyên chở các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề truyền thống rất thuận lợi. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, con đường bị ô-tô trọng tải lớn, từ 20 đến 30 tấn chuyên chở vật liệu xây dựng phá nát. Lực lượng chức năng ngăn cần sớm ngăn chặn, xử lý triệt để để tránh hư hỏng, rất lãng phí.

Tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, đến hết năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình đạt gần 28 nghìn 900 tỷ đồng, trên tổng số 31 nghìn 680 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch của thành phố. Năm 2019, thành phố tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị xã hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 1 nghìn 190 tỷ đồng trực tiếp, hơn hai nghìn tỷ đồng hỗ trợ lồng ghép vào các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, đáp ứng mục tiêu đạt chuẩn xã NTM. 12 quận nội thành hỗ trợ các huyện, thị xã gần 440 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Đặc biệt, các doanh nghiệp và nhân dân đã tự nguyện đóng góp gần 3.600 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn đầu tư này, đến nay nhiều huyện có số xã đạt chuẩn NTM rất lớn, kể cả đối với các huyện khó khăn như huyện Thường Tín có 24 trong tổng số 28 xã đạt chuẩn, huyện Phú Xuyên có 20 trong tổng số 26 xã đạt chuẩn, huyện Mê Linh có 14 trong tổng số 16 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng có ý kiến, trong điều kiện đầu tư rất lớn, nguồn lực của thành phố còn hạn chế, các huyện, thị xã cần rà soát kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình đầu tư đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Bên cạnh ngân sách của thành phố, các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách và các nguồn khác để thực hiện, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội, đến nay ngoài bốn huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận ba huyện Quốc Oai, Gia Lâm và Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2018. Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận huyện, thị xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Thành phố có 323 trong tổng số 386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, về đích trước hai năm so mục tiêu đề ra.

Mới đây, phát biểu ý kiến kết luận hội nghị sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm chín tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 đánh giá cao kết quả huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng chí chỉ rõ tình trạng một số công trình hạ tầng đầu tư nhưng chưa sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Vì thế, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ kiểm tra hiệu quả của các công trình hạ tầng sau đầu tư trong xây dựng NTM. Qua đợt kiểm tra này, thành phố sẽ kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng nông thôn.