Khắc phục bệnh hình thức trong việc đánh giá, phân loại cán bộ

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hiện tượng nể nang, làm chiếu lệ, cần chấn chỉnh kịp thời để công tác này đạt kết quả thực chất hơn.

Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa UBND huyện Quốc Oai.
Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa UBND huyện Quốc Oai.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức gắn với chủ đề công tác năm như "Năm kỷ cương hành chính 2017" và "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", được thực hiện trong hai năm 2018, 2019. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ định kỳ và đột xuất được đặc biệt chú trọng. Từ năm 2017 đến nay, đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra công vụ đột xuất 79 cơ quan, đơn vị; kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đối với bảy vụ việc. Tại các quận, huyện, sở, ngành, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, đồng thời đây cũng là một kênh để đánh giá, phân loại cán bộ.

Nằm ở cửa ngõ phía đông của Thủ đô, huyện Gia Lâm có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang gấp rút huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng, phấn đấu vào năm 2020 được công nhận là quận. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã tiến hành 95 cuộc kiểm tra công vụ đối với các phòng, ban, đơn vị cơ sở trực thuộc, trong đó có 17 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, huyện đã kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật giờ giấc, nghiệp vụ tại một số đơn vị, phát hiện một số phòng chuyên môn chưa sát sao trong kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Ðã có 42 cá nhân bị hạ mức thi đua quý do vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ không chỉ siết chặt về kỷ cương, kỷ luật mà còn là cơ sở quan trọng để chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chấn chỉnh những cá nhân chểnh mảng trong công việc.

Huyện Sóc Sơn đã tổ chức thanh tra công vụ gắn với kiểm tra kỷ cương hành chính. Giai đoạn 2016 - 2018, đã có 53 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử lý kỷ luật. Thị xã Sơn Tây tiến hành 25 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ và lấy việc chấm điểm sự hài lòng của tổ chức, công dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính làm thước đo đánh giá cán bộ, công chức.

Hạn chế bệnh hình thức khi "chấm điểm"

Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra công vụ, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức tại Hà Nội cũng có nhiều đổi mới. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, từ cuối năm 2017, thành phố đã thực hiện việc giám đốc các sở chuyên ngành chấm điểm trưởng các phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện, chủ tịch cấp huyện chấm điểm chủ tịch cấp xã. Từ ngày 1-7-2018, hệ thống chính trị TP Hà Nội đồng loạt triển khai thực hiện Quyết định 3814-QÐ/TU
ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Ðến nay, việc đánh giá, xếp loại hằng tháng tại các đơn vị đã đi vào nền nếp và là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm.

Tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong các buổi giao ban hằng tuần, hằng tháng và hằng quý, Sở thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện của các phòng, đơn vị. Hằng tháng, các phòng, đơn vị cũng họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ, chất lượng hiệu quả công việc của người lao động trên cơ sở báo cáo kế hoạch của từng tuần để đánh giá, xếp loại.

Tuy nhiên, dù việc triển khai đã được đánh giá là đã đi vào nền nếp, song tại đợt giám sát mới đây của Thường trực HÐND thành phố Hà Nội cho thấy công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở một số đơn vị vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Thí dụ, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác đánh giá cán bộ còn hạn chế, nội dung và phương thức đánh giá chậm đổi mới, chưa gắn với thực tiễn công việc dẫn đến khó khăn trong việc tinh giản biên chế, xếp loại cán bộ. Tại Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, sau khi sáp nhập các đơn vị, do có tình trạng nể nang, ngại va chạm trong đánh giá, phân loại cán bộ, cho nên vẫn có một số viên chức, người lao động không bảo đảm về trình độ, năng lực nhưng vẫn được bố trí việc làm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Mấu chốt để đánh giá cán bộ hằng tháng là phải xây dựng được kế hoạch công tác phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ hoàn thành. Việc đánh giá chất lượng cán bộ theo công việc, nhiệm vụ được giao rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công việc ở mỗi bộ phận và còn là cơ sở để giúp cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số đơn vị điều động, luân chuyển, bổ nhiệm các vị trí việc làm chưa đúng với chuyên môn dẫn đến chất lượng hoàn thành công việc thấp. Nếu việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thiếu khách quan, chiếu lệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả công việc chung của đơn vị.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới, các đơn vị của TP Hà Nội cần nâng cao hiệu quả thực hiện Ðề án vị trí việc làm, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn theo từng vị trí, yêu cầu công việc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, tổ chức chấm điểm công chức khách quan, hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.