Kết nối thị trường hoa Hà Nội và Đà Lạt

Hà Nội và Đà Lạt là những vùng trồng hoa có tiếng trong cả nước, nhưng do thiếu gắn kết, thiếu thông tin, cho nên nhiều thời điểm thị trường bị mất cân đối cung cầu, gây thiệt hại lớn cho người trồng hoa. Thực tế này đòi hỏi hai địa phương cần có sự kết nối, hỗ trợ nhau tốt hơn, từng bước đưa ngành trồng hoa phát triển bền vững, cạnh tranh được với sản phẩm hoa nhập khẩu.

Sản phẩm hoa tươi Đà Lạt được nhiều người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Ảnh: THÁI AN
Sản phẩm hoa tươi Đà Lạt được nhiều người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Ảnh: THÁI AN

Đà Lạt là xứ sở của các loài hoa. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, hoa tươi đã trở thành sản phẩm mang lại nguồn thu lớn cho thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cho biết, hiện nay diện tích trồng hoa ở Lâm Đồng lên tới 8.300 ha. Trong đó có hơn 3,5 ha trồng hoa công nghệ cao. Sản lượng đạt gần ba tỷ cành/năm. Hơn 89% sản lượng hoa được tiêu thụ tại các tỉnh miền bắc, miền trung và TP Hồ Chí Minh. Số còn lại xuất khẩu sang nhiều nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 42 triệu USD.

Ít ai biết rằng, góp phần hình thành vùng hoa Đà Lạt nức tiếng đó là công sức của những người con Hà Nội. Gần 80 năm trước, một số người dân ở những làng hoa Thủ đô như Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Xuân Tảo... đã di cư vào Đà Lạt làm kinh tế mới, khai khẩn đất hoang lập ấp trồng rau và hoa. Hiện nay, Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ hoa chủ yếu của Lâm Đồng. Nhiều giống hoa trồng tại các làng hoa Tây Tựu, Mê Linh… được chính các công ty, nhà vườn ở Đà Lạt ươm mầm.

Tuy nhiên, mối liên kết giữa hai thị trường hoa đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều thời điểm trong năm, do cả Lâm Đồng và Hà Nội cùng nở rộ một loại hoa như hồng, cúc, ly…, khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm, người trồng hoa thất thu. Vào những dịp lễ, Tết, giá hoa Đà Lạt tăng cao đột ngột khiến nhiều tiểu thương kinh doanh hoa và cửa hàng hoa tươi ở Hà Nội gặp khó khăn. Nhiều vùng trồng hoa của Hà Nội phải nhập khẩu giống, nguyên vật liệu trồng hoa từ nước ngoài, trong khi ngay tại Đà Lạt cũng có thể cung ứng. Chưa kể, cả hai thị trường đều đang phải cạnh tranh gay gắt với hoa nhập khẩu từ nước ngoài.

Để khắc phục những vướng mắc này, mới đây, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp Sở Công thương TP Hà Nội đã đi thăm, làm việc với các vùng trồng hoa, các chợ chuyên doanh hoa và các tiểu thương, đại lý, cửa hàng hoa tại Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, khi đời sống người dân ngày càng cao thì nhu cầu về hoa cũng tăng theo. Nhưng từ trước đến nay, lĩnh vực này lại ít được các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp quan tâm, để ý. Các giải pháp hỗ trợ nằm rải rác trong nhiều văn bản, chương trình chung về ngành nông nghiệp hoặc làng nghề. Trong khi đó, hoa lại là sản phẩm có giá trị lớn, cao gấp nhiều lần các loại rau và trái cây khác.

Ở các vùng trồng hoa của Hà Nội, 1 ha trồng hoa có thể đem lại từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/năm. Với các loài hoa có giá trị cao như hoa ly, hoa lan… có thể cho doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Do đó, nếu hai vùng trồng hoa có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong phân phối giống, vật tư, công nghệ trồng, thông tin thường xuyên về sản lượng cung ứng, loại hoa để hạn chế tình trạng cung mất cân đối, giảm thiệt hại chung.

Ông Nguyễn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Mai Trang chuyên sản xuất hoa tại Đà Lạt cho rằng, hai vùng nên ưu tiên sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, thế mạnh và có tính đặc thù. Không nên để tình trạng Hà Nội và Đà Lạt cùng trồng một loài hoa khiến cung vượt quá cầu. Hà Nội nên định hướng phát triển các sản phẩm hoa có tính riêng biệt, thay vì nhập giống từ nước ngoài thì nên đặt hàng, thông tin cho hiệp hội hoa Đà Lạt để tìm nhà cung cấp giống phù hợp với điều kiện ở Hà Nội, bởi nước ngoài có điều kiện thổ nhưỡng khác với Hà Nội. Chưa kể, các vùng trồng hoa trong nước còn phải cạnh tranh với sản phẩm hoa của nước ngoài, nếu các doanh nghiệp trong nước không liên kết lại thì khó cạnh tranh được với nước ngoài.

PHÓ Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất, các đầu mối sản xuất, kinh doanh hoa của Hà Nội nên tập hợp, hình thành Hiệp hội hoa để làm việc với Hiệp hội hoa Đà Lạt nói riêng và các hiệp hội khác nói chung, từng bước đưa việc sản xuất, trồng hoa trong nước phát triển bền vững hơn, cạnh tranh được với hoa nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giá trị, cũng như cách phân biệt các dòng hoa trong nước với nước ngoài để người tiêu dùng biết và lựa chọn, ủng hộ hàng Việt Nam. Hà Nội sẵn sàng tạo điều kiện cho sản phẩm hoa của Đà Lạt cung ứng ra Thủ đô, đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp cuộc sống của người dân.