Kết nối mạng lưới khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp (Start-UP) không chỉ lan rộng trong nước, mà còn lan rộng tới cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, nhất là các bạn trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, rất cần kết nối các Start-UP này để hình thành mạng lưới khởi nghiệp rộng khắp, tận dụng nguồn chất xám, sức sáng tạo quý báu để hỗ trợ nhau cùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu tham gia tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị cấp cao "Liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia". Ảnh: TRỊNH LÝ
Các đại biểu tham gia tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị cấp cao "Liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia". Ảnh: TRỊNH LÝ

Mới đây, Thành đoàn Hà Nội, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ cùng Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5,4 triệu kiều bào đang phân bố ở hơn 100 quốc gia, hội nhập tốt với đất nước sở tại, đã và đang phát huy vai trò của mình. Đồng thời, đóng góp cho sự phát triển của quê hương khi tổng kiều hối tới nay đã đạt 112 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. 

Đáng chú ý, hiện thế hệ trẻ, sinh viên ra nước ngoài học tập ngày càng gia tăng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước cho dù ở lại nước bạn hay trở về quê hương. Mỗi năm trung bình có khoảng 200 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung, cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn chất xám quý báu của đất nước nếu được thu hút, phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Do đó, hội nghị lần này nhằm kết nối các cá nhân, nhà đầu tư và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các cơ hội đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, giúp các doanh nghiệp tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, hệ sinh thái phát triển khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, các bạn trẻ được trang bị tinh thần khởi nghiệp từ sớm, sẵn sàng dấn thân để xây dựng, hình thành những ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp trong tương lai. Tất cả ý tưởng của sinh viên trong và ngoài nước đều cần được khuyến khích xây dựng và phát triển. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, thế giới đang đối diện với nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi nhiều hơn sự sáng tạo, đổi mới để có thể phát triển một cách bền vững. Đó cũng là bài toán cần đến nguồn năng lượng, sức sáng tạo của các bạn trẻ trong thay đổi cách nghĩ và hành động. 

Trao đổi về kinh nghiệm trong khởi nghiệp, đại diện Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ chia sẻ: “Từ thực tế, chúng tôi nhận ra các start-up mới thường gặp ba khó khăn chung là vốn, quan hệ khách hàng và năng lực quản lý doanh nghiệp. Do đó, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã phát động Cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu (VietChallenge) dành cho người Việt trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ các start-up vượt qua ba vấn đề này. Tham gia cuộc thi, các thành viên start-up có cơ hội giành nguồn tiền thưởng lớn, tiếp cận các nhà đầu tư để phát triển vốn và các mối quan hệ với khách hàng, doanh nghiệp khác. Đồng thời, tạo ra sự kết nối, gặp gỡ giữa các start-up của người Việt trên khắp thế giới, hình thành mạng lưới khởi nghiệp hiệu quả”. 

Để thu hút các nhà tri thức trẻ Việt Nam tại nước ngoài tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Dũng Nam cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần có những mô hình kinh doanh bài bản, không chỉ là vườn ươm. Những chính sách hỗ trợ về công nghệ, vốn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài dành cho start-up cần được đưa ra để giúp các ý tưởng sáng tạo của trí thức trẻ đến gần hơn với thực tiễn. Do đó, cùng với Đề án 844, các hoạt động của Thành đoàn Hà Nội, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức như Khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge… sẽ góp phần phát triển mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Thông qua các hoạt động kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp các bạn trẻ nói chung, các bạn sinh viên nói riêng, trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, thực hiện các mục tiêu, ước mơ của mình.

Trong giai đoạn tới, TP Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về truyền thông; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội... Nhờ đó, dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, nhưng chín tháng năm 2020, thành phố vẫn có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 260.800 tỷ đồng. Đại diện Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh, Thành đoàn sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng học sinh, sinh viên, thanh niên, tạo nhiều không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện kết nối khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế, để hoạt động này trở thành nguồn động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô, đất nước phát triển.