Ðịnh hướng phát triển Thủ đô trong tương lai

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đang được hoàn thiện một cách kỹ lưỡng với sự tham gia, tập trung trí tuệ của nhiều cấp, nhiều ngành, của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Ðây cũng là dịp để nhìn lại, đánh giá toàn diện kết quả cũng như hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực công tác, nhằm mục tiêu xác định rõ định hướng phát triển cho Thủ đô.

Đại diện các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội T.Ư phát biểu ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17.
Đại diện các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội T.Ư phát biểu ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17.

Bài 1: Khơi thông các nguồn lực

Ðược "khởi động" từ năm 2018, đến nay Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, nhất là nội dung của ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Bởi bên cạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư, thì việc khơi thông các tiềm năng "sẵn có" từ cải cách thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần phải được quan tâm, đẩy mạnh hơn.

Chuẩn bị công phu, đánh giá toàn diện

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội khóa 17 được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết tám chương trình công tác, năm nhiệm vụ trọng tâm, ba khâu đột phá, các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề và kết quả nghiên cứu của tám đề tài thuộc Chương trình số 20-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XVI Ðảng bộ thành phố (2015 - 2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Dự thảo đã được tiếp thu, cập nhật các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng.

Dự thảo Báo cáo chính trị chia làm hai phần. Bên cạnh phần đánh giá tổng quát, nêu những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và năm bài học kinh nghiệm, Dự thảo xác định phương hướng, mục tiêu, năm nhiệm vụ chủ yếu, bốn nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, ba khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp. Dự thảo xác định ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Ða số các ý kiến đều đánh giá Dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ kết cấu, bố cục, chủ đề, nội dung và phương châm Ðại hội, đã nêu bật được những thành tựu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, từ đó đề ra những giải pháp để khắc phục. Văn kiện thể hiện trách nhiệm cao cũng như trí tuệ của tập thể đảng viên trước sự kiện quan trọng, ngày hội của Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô. Theo TS, KTS Ðào Ngọc Nghiêm, Dự thảo Văn kiện được nghiên cứu, xây dựng công phu, khoa học. Việc đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020 thông qua 14 ngành, lĩnh vực rất cụ thể, chỉ ra được kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế

Trong nhiệm kỳ mới, Ðảng bộ TP Hà Nội lựa chọn cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá. Trong đó, bao gồm nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Thành phố sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tham gia góp ý vào dự thảo, Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị, thành phố cần đưa cải cách về thể chế làm khâu đột phá đầu tiên, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó nên bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tinh giản bộ máy. Ðồng tình quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Ðảng bộ TP Hà Nội cần xác định công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Ðể chấm dứt cơ chế "xin - cho", khắc phục những kẽ hở của chính sách, rất cần có một đội ngũ quản trị tinh thông, chuyên nghiệp. Ðồng chí Thang Văn Phúc cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Muốn vậy, trước tiên cần thay đổi ngay từ phương thức lãnh đạo của tổ chức Ðảng, cần tinh nhuệ và gần gũi với nhân dân hơn.

Nguyên Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt đề nghị, phải nói rõ hơn nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế, cả thể chế chính trị, thể chế kinh tế, chứ không chỉ đổi mới thể chế kinh tế. Bởi hiện nay bộ máy quản lý vẫn cồng kềnh, còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, nặng về hình thức trong một số hoạt động, sự sa sút về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. "Không nên né tránh việc đặt vấn đề đổi mới hay cải cách thể chế chính trị. Việc đổi mới hay cải cách chính là để củng cố và nâng cao sức chiến đấu của Ðảng, hiệu quả hoạt động điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và là để bảo vệ chế độ xã hội của chúng ta", ông Lê Văn Hoạt chia sẻ và cho rằng, trong phần bài học kinh nghiệm cần phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công khai, minh bạch. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo cần tăng cường đối thoại với nhân dân, không hình thức, không đùn đẩy, né tránh.

Thêm cơ chế thu hút sử dụng nhân tài

Xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng là một trong ba khâu đột phá, cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp. GS, TS Tạ Thành Văn (Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội) cho rằng, 46 trường đại học, học viện, 24 trường cao đẳng với 1.300 giáo sư, phó giáo sư, 3.200 tiến sĩ… cùng các viện nghiên cứu, học viện đóng trên địa bàn thành phố là nguồn nhân lực chất lượng cao rất dồi dào của Thủ đô. Tuy nhiên thành phố cần đưa ra dẫn chứng cụ thể chứng minh cho kết quả của sự phát triển thị trường khoa học - công nghệ, cũng như hiệu quả của việc đầu tư cho khoa học - công nghệ trong 5 năm qua. Vấn đề này đã được nêu ra trong Dự thảo Văn kiện nhưng còn chung chung, khái quát. Do đó, trong Dự thảo, nên đánh giá hiệu quả các chính sách của thành phố để tận dụng và phát huy những nguồn lực này cũng như cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, T.Ư, đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội.

Các ý kiến cũng đề nghị thành phố cần xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị, Dự thảo cần làm toát lên khát vọng của Thủ đô, qua đó truyền đi thông điệp giúp thu hút đầu tư, "chiêu hiền đãi sĩ". Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khâu đột phá này đã đưa ra ba nhận diện rất đúng. Ðó là "phát triển nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, phát huy giá trị văn hóa". Tuy nhiên, không hẳn chỉ là phát triển, thúc đẩy và phát huy, mà nên được thiết kế theo hướng tận dụng thế mạnh của Thủ đô. Theo GS, TS Nguyễn Kim Sơn, nếu như các tỉnh, thành phố khác lo thu hút nhân lực, khoa học -
công nghệ, tại Hà Nội đã có sẵn các tiềm lực này. Ðây là ưu thế riêng của Thủ đô so với các địa phương, vấn đề là cần có chiến lược, cơ chế khai thác và sử dụng hiệu quả hơn.

(Còn nữa)

An Trân và Khải Hưng