Huyện Thường Tín nỗ lực xây dựng đô thị làng nghề

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng quê nhiều làng nghề, Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới là xây dựng đô thị làng nghề, gắn với bảo vệ môi trường.
 

Khu trưng bày các sản phẩm sơn mài làng nghề Hạ Thái.Ảnh: HỒ HẠ
Khu trưng bày các sản phẩm sơn mài làng nghề Hạ Thái.Ảnh: HỒ HẠ

Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề Thường Tín được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, thời gian qua, huyện Thường Tín tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp làng nghề Văn Tự với diện tích 7,75 ha, chuẩn bị mở rộng các cụm công nghiệp Thắng Lợi, Tiền Phong và Ninh Sở giai đoạn 2, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn huyện lên 11 cụm. Qua đó củng cố, phát triển làng nghề, trong đó, sáu làng đã xây dựng được thương hiệu như đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm (xã Vạn Điểm), điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang)... ba nhãn hiệu tập thể gồm sơn mài Hạ Thái, thêu Thường Tín và chăn, ga, gối, đệm Tiền Phong. Huyện hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 nghìn lao động. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đầu tư hơn 7.540 tỷ đồng phát triển hạ tầng sản xuất. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân là 2,5%/năm. Đến nay, huyện có 16 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến và giết mổ lợn, gia cầm; hình thành vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất đạt 145 triệu đồng/ha.
 
 Xác định mục tiêu đến cuối năm 2020 cơ bản đạt huyện nông thôn mới, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thường Tín đã đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 1.420 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp gần 19 tỷ đồng và hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất ở, đất nông nghiệp để xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi. Đến cuối năm 2019, tất cả 28 xã của Thường Tín về đích nông thôn mới, trong đó có một xã đạt nông thôn mới nâng cao. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 54 triệu đồng/người/năm. Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, Thường Tín đạt tất cả chín tiêu chí; được Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương đánh giá đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
 
 Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện đã đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra. Tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 74.010 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế như tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phương thức canh tác chậm đổi mới; các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết số lượng ít, quy mô nhỏ. Diện tích cây vụ đông giảm, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp thấp, dẫn đến tình trạng người dân bỏ hoang ruộng không canh tác ngày một tăng. Vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường làng nghề chưa được xử lý dứt điểm... Vì thế, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện sẽ tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy tiềm năng, lợi thế.
 
 Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn biểu dương kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đạt được 5 năm qua. Huyện cần phấn đấu đến năm 2025, cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; định hướng đến năm 2030 phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô. Tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo sự ổn định kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, phát triển cụm công nghiệp, gắn chặt chẽ hoạt động của các làng nghề với phát triển thương mại, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế chính trong cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công tác quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, trật tự xây dựng. Nhất là phải làm tốt công tác xử lý môi trường làng nghề, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với chế tài theo quy định để tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch nhằm phát triển quy mô sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao hơn và quản lý, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.