Hướng tới mục tiêu cá nhân hóa trong giáo dục

Ở nước ngoài, việc học sinh có năng lực vượt trội học vượt lớp, thậm chí vượt cấp học là điều bình thường, nhưng ở nước ta đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được chính thức công nhận vượt lớp. Điều này khiến nhiều người thắc mắc và đặc biệt chú ý tới quy định về vấn đề này trong dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố.

Giờ học của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: MINH HÀ
Giờ học của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: MINH HÀ

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ GD và ĐT công bố để lấy ý kiến nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình phổ thông mới cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống sau 10 năm triển khai theo Điều lệ trường tiểu học cũ. Một trong những quy định khiến nhiều người quan tâm trong dự thảo lần này là quy định cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Theo đó, thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo ba bước. Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Quy định này đã được đưa vào Điều lệ trường tiểu học hiện hành và tồn tại 10 năm nay. Tuy nhiên, khi được hỏi về kết quả thực hiện, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: 10 năm qua, Hà Nội chưa có học sinh nào học vượt lớp. Chúng tôi chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ phía phụ huynh về việc cho con em mình học vượt lớp. Trong khi đó, theo quy trình thì gia đình phải có đơn đề xuất, sau đó các trường mới thành lập hội đồng xem xét, quyết định. Dù thẩm quyền là của nhà trường, nhưng với các trường hợp đặc biệt như vậy, bao giờ các trường cũng phải báo cáo cấp phòng, cấp sở GD và ĐT.

Trước thắc mắc về việc phải chăng phụ huynh chưa biết tới quy định này, ông Tiến cho rằng, cho dù không phải là thông tin phổ biến nhưng những ai thật sự quan tâm và có nhu cầu đều có thể tìm hiểu và được tư vấn cụ thể vì đã có cơ sở pháp lý. Ở đây cũng không loại trừ nguyên nhân từ tâm lý sợ bị soi xét bởi những trường hợp đặc cách bất thường rất dễ bị đem ra bàn tán, mổ xẻ, thậm chí có thái độ thiếu tôn trọng, cho là có can thiệp, nhờ vả... Chính vì tâm lý này cho nên phụ huynh và các trường cũng chọn cách làm an toàn, không mạnh dạn đề xuất cho con hoặc học sinh của mình được đặc cách học vượt lớp.

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Xuân Mai, ở Trường tiểu học Kim Liên có những học sinh giỏi xuất sắc về một số môn như Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Các em có thể vượt trình độ của những học sinh trên mình từ một đến vài lớp đối với những môn học này. Việc để các em ngồi học theo đúng lứa tuổi, trong khi kiến thức các em đã vượt trình độ chuẩn của lớp học rõ ràng là sự lãng phí tài năng, đồng thời gây ra tâm lý chán học, mất cơ hội được đầu tư phát triển theo năng lực cá nhân. “Tuy vậy trong nhiều năm làm hiệu trưởng, chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ đề xuất nào từ phía phụ huynh cho con em họ được học vượt lớp, trong khi đó, điều này là rất bình thường với các trường học ở nước ngoài”, bà Mai cho biết.

Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn toàn phù hợp quy định này khi hướng tới mục tiêu cá nhân hóa trong giáo dục theo hướng phát hiện, bồi dưỡng theo năng lực học sinh. Việc đánh đồng năng lực học trò với cùng một cách đánh giá, giảng dạy không còn phù hợp yêu cầu trong giáo dục, bởi vậy việc học vượt lớp sẽ phát huy hiệu quả. “Tuy nhiên, khi có quy định rồi thì cần có hướng dẫn cụ thể và tuyên truyền rộng rãi để phụ huynh nắm rõ, chủ động phối hợp giáo viên, đề xuất với nhà trường”, ông Tiến nói.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai cũng nhấn mạnh, với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, cán bộ quản lý, giáo viên rất cần những quy định cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá học sinh vượt trội để đề xuất cho các em học vượt lớp. “Thực tế có rất nhiều trường hợp học sinh nổi trội từng lĩnh vực hay toàn diện nhưng chỉ khi có nền tảng quy chuẩn các điều kiện cần đạt được và được tập huấn xử lý theo tình huống thực tế thì nhà trường và phụ huynh mới có thể phát huy hiệu quả việc bồi dưỡng, cho phép học vượt lớp theo năng lực cá nhân, đồng thời tránh được những vấn đề nảy sinh, bất đồng, thậm chí là kiện cáo khi giải quyết những trường hợp đặc biệt này”, bà Mai nhấn mạnh.