Hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề truyền thống

Những năm gần đây, làng nghề thêu thủ công Quất Ðộng (xã Quất Ðộng, huyện Thường Tín, Hà Nội) khó tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó, đã có những bạn trẻ với quyết tâm và tư duy nhạy bén đã khởi nghiệp thành công bằng chuỗi cửa hàng chuyên cung ứng các sản phẩm thêu tay kết hợp tổ chức các không gian trải nghiệm cho khách du lịch.

Lớp dạy nghề thêu tay tại tiệm may Tú Thị. Ảnh: LAN MAI
Lớp dạy nghề thêu tay tại tiệm may Tú Thị. Ảnh: LAN MAI

Sinh ra và lớn lên ở làng Quất Ðộng (xã Quất Ðộng, huyện Thường Tín), gắn bó với những sản phẩm thêu thủ công từ khi còn rất nhỏ, nhưng Mai Lan được cha mẹ định hướng theo nghề báo. Tốt nghiệp đại học, cô về công tác tại một cơ quan báo chí của trung ương. Trong một lần về quê, Mai Lan mặc thử một chiếc áo dài thêu tay và đăng tấm hình đó cùng với những tấm áo thêu thủ công chị yêu thích lên facebook. Những bức hình đó được nhiều người yêu thích, ai cũng hỏi Mai Lan cách để đặt làm những tấm áo dài kiểu này. Có người còn bảo cô : “Tại sao trong tay có một báu vật tuyệt vời như thế mà lại không khai thác?”. Với sự nhạy bén của một nhà báo, cô quyết tâm biến ý tưởng gây dựng một của hàng bán đồ thêu thành hiện thực. Cửa hàng được đặt tên là Tú Thị - tên của ngôi đình thờ ông tổ nghề thêu.

Nghĩ sao làm vậy, Mai Lan quyết định từ bỏ công việc của một phóng viên để chuyển sang quản lý, điều hành cửa hàng - đặt tại một căn gác nhỏ trên phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ðịnh hướng kinh doanh của cô là lấy những sản phẩm thêu có chất lượng tốt và làm hài lòng khách hàng là tiêu chí hàng đầu. Nhận ra nhu cầu để lại dấu ấn cá nhân ở trên các sản phẩm thời trang của khách hàng, Mai Lan cùng Hà Trang, một đồng nghiệp cũ của mình, vừa thiết kế, vừa nhận đặt thêu các sản phẩm thời trang, trong đó lấy dòng sản phẩm áo dài thêu là chủ đạo. Cửa hàng Tú Thị trở thành cầu nối giữa những người thợ thêu của làng Quất Ðộng với những người đam mê các sản phẩm thêu truyền thống.

Sau khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, Mai Lan mở rộng sản xuất, thành lập một xưởng thêu, tạo việc làm cho nhiều người dân làng Quất Ðộng. Cửa hàng thêu Tú Thị được đông đảo mọi người biết đến. Mai Lan quyết định mở thêm một cửa hàng nữa tại Hội An - một trong những điểm du lịch thu hút rất đông khách du lịch trong nước và nước ngoài, để giới thiệu sản phẩm thêu và nghề thêu truyền thống của Việt Nam rộng rãi hơn trên trường quốc tế. Mai Lan đã “biến” cửa hàng ở Hội An của cô thành một không gian vừa kết hợp quảng bá du lịch, vừa kinh doanh các sản phẩm thêu thủ công. Cô kể cho các du khách về quá trình làm ra sản phẩm thêu, lịch sử nghề thêu làng Quất Ðộng khi thuyết minh về sản phẩm thêu của mình. Không dừng lại ở đó, Mai Lan còn sắp đặt những sản phẩm đang hoàn thiện, những khung thêu, búi chỉ mầu để du khách có thể trải nghiệm quá trình làm ra một sản phẩm thêu tay. Nhờ đó, cửa hàng thêu Tú Thị và nghề thêu truyền thống ngày càng nhận được sự quan tâm của bạn bè trong nước và quốc tế. Cửa hàng thêu Tú Thị trên gác 2 phố Hàng Thùng (Hà Nội) giờ không chỉ là nơi cung ứng các sản phẩm về thêu, mà còn là nơi gặp gỡ, tụ họp của những người đam mê với môn nghệ thuật này nói riêng và các nghề thủ công truyền thống nói chung, nơi có các lớp dạy thêu cho các bạn trẻ.

Mai Lan tâm sự, cô dự định sẽ nhân rộng chuỗi cửa hàng thêu của mình trên toàn quốc, tạo một khuôn viên mô phỏng xưởng thêu thủ công truyền thống tại chính quê hương mình nhằm phục vụ du lịch và quảng bá nghề thêu thủ công. Ðể thực hiện được dự định đó là một chặng đường dài với nhiều gian khó, nhưng nếu không có những hoài bão, quyết tâm mạnh mẽ thì những làng nghề truyền thống rất khó có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.