Học sinh lớp 9, lớp 12 tập trung ôn thi trực tuyến

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là kết thúc năm học 2020 - 2021. Với học sinh lớp 9, lớp 12, đây là thời kỳ nước rút để ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến, khiến cho phụ huynh, học sinh cuối cấp chịu áp lực lớn.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến tại nhà trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Hải
Học sinh Hà Nội học trực tuyến tại nhà trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Hải

Mặc dù việc dạy và học trực tuyến không còn bỡ ngỡ với giáo viên và học sinh Hà Nội sau ba lần phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19 từ tháng 2-2020 đến nay, nhưng với học sinh lớp 9 sắp dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT và học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thì hình thức học tập này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ôn thi cũng như tâm lý của học sinh.

Một tuần nay, em Nguyễn Hương Thảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) có lịch học trực tuyến từ  7 giờ 30 phút, với 4 tiết kéo dài 4 giờ, tập trung ôn thi bốn môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Anh văn. Không chỉ học trực tuyến cả buổi sáng theo chương trình chính khóa ở trường, Thảo còn liên tục tham gia các buổi học thêm trực tuyến theo lịch ôn tập từ trước để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10 vào tháng 6 tới. Buổi tối cũng là thời gian Thảo phải lên mạng để lấy đề làm bài tập được thầy, cô giáo gửi để hôm sau chữa, chấm bài. “Học trực tuyến khá vất vả với chúng em, khi cứ phải ngồi một mình với máy tính, mà không được giao lưu, chia sẻ với bạn bè, thầy, cô giáo và phải căng mắt ra theo dõi bài giảng qua màn hình nhiều giờ đồng hồ” - Thảo chia sẻ.

Với Nguyễn Tuấn Anh, lớp 12 Trường THPT Ðống Ða (quận Ðống Ða), việc học trực tuyến với áp lực ôn thi sáu môn tốt nghiệp THPT khá lớn và không hiệu quả như mong muốn. “Tất cả đều làm việc qua máy tính, không được đến trường, không được đến trung tâm học thêm. Em cảm thấy mình và các bạn cùng trang lứa quá thiệt thòi khi phải ôn thi trong tình trạng như hiện nay, vừa chịu áp lực lớn về tâm lý, vừa mệt mỏi về thể chất” - Tuấn Anh cho biết.

Hơn 200 nghìn học sinh lớp 9, lớp 12 Hà Nội năm học này đang phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Ðúng vào thời điểm các kỳ thi quan trọng đang đến gần, các em chỉ có thể tự ôn tập theo hướng dẫn của thầy, cô giáo qua hình thức học trực tuyến. Ðiều này gây lo lắng không nhỏ về chất lượng học tập khi các phụ huynh không thể yên tâm để con em mình ở nhà sử dụng máy tính cả ngày, mà không kiểm soát được con có chú tâm học tập hay không.

Cô giáo Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Ðình) nhấn mạnh, ôn thi trực tuyến sẽ rất vất vả với những học sinh có lực học trung bình trở xuống. Những học sinh này không chỉ bị hạn chế bởi năng lực học tập, mà hay thiếu tập trung nghe giảng và khó tự làm bài tập ở nhà. “Dù thầy, cô giáo có nhắc nhở liên tục về ôn thi cuối cấp, nhưng các em không tự giác, không tập trung học thì thầy, cô giáo cũng không thể giúp các em tiến bộ với hình thức học trực tuyến như hiện nay” - cô giáo Nguyễn Khánh Linh chia sẻ.

Ôn tập có hai vấn đề quan trọng là hệ thống hóa kiến thức đã học và làm bài tập. Với hai việc này, những học sinh có năng lực tự học có thể bảo đảm chất lượng để đáp ứng kỳ thi sắp tới, nhưng những học sinh chưa có ý thức tự giác thì chắc chắn sẽ bị hổng nhiều kiến thức. 

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, trong tuần này, Sở sẽ họp trực tuyến với các trường, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ cuối năm học, hoàn thành học kỳ II, đồng thời có hướng dẫn mới về học và ôn thi trực tuyến theo Thông tư 09/2021/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 16-5. Hiện tại, học sinh cuối cấp của các trường học ở Hà Nội phần lớn đều đã hoàn thành chương trình năm học 2020 - 2021, hoàn tất hồ sơ để xét tốt nghiệp với học sinh lớp 9 và hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT với học sinh lớp 12. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, trường đang thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến với các hình thức linh hoạt, hiệu quả, ổn định về tâm lý cho giáo viên, học sinh. Mặc dù đã quen với công tác vừa phòng dịch, vừa ôn thi, nhưng cán bộ giáo viên nhà trường vẫn thường xuyên được nhắc nhở không lơ là, chủ quan, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.