Hoàn thiện phương án trưng bày Bảo tàng Hà Nội

Mặc dù Bảo tàng Hà Nội đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách, nhưng trưng bày hiện tại vẫn là phương án tạm thời. Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 880/QĐ-UBND, ngày 22-2-2019, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Thực hiện quyết định này, các nhà khoa học cũng như cán bộ, nhân viên Bảo tàng nỗ lực hoàn thiện sưu tầm hiện vật, phương án trưng bày để những hiện vật có giá trị sớm được giới thiệu với công chúng.
Bảo tàng Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: NGỌC HÀ
Bảo tàng Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: NGỌC HÀ

Khác với những bảo tàng chuyên ngành, Bảo tàng Hà Nội trưng bày nhiều chủ đề, lĩnh vực. Bởi vậy, quá trình sưu tầm hiện vật, tìm kịch bản, phương án trưng bày hệ thống hiện vật đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia, thuộc nhiều lĩnh vực tự nhiên, xã hội. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: “Khi bắt tay vào triển khai công tác chuẩn bị trưng bày, do bảo tàng bao quát nhiều chủ đề, nên còn thiếu nhiều hiện vật. Bảo tàng Hà Nội đã phải huy động nhiều nguồn khác nhau, vận động nhân dân hiến tặng. Riêng quá trình sưu tầm đủ lượng hiện vật cần thiết cho trưng bày cũng mất nhiều thời gian. Ngoài 2.231 hiện vật cất giữ trong kho nhiều năm, chúng tôi đã sưu tầm thêm được một lượng hiện vật đáng kể. Hiện có 3.771 tư liệu, hiện vật, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của kịch bản trưng bày đề ra”.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 880/QĐ-UBND ngày (22-2-2019) phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Theo quyết định này, tầng một sẽ là không gian dành cho quầy bán vé, khu lễ tân, khu bán hàng lưu niệm, khu gửi đồ... Từ tầng hai, bảo tàng sẽ bắt đầu “kể chuyện” về Hà Nội, với các chủ đề về thiên nhiên, gồm tài liệu, hiện vật thể hiện cảnh quan thiên nhiên, đất đai và khoáng sản, động vật, thực vật... Tiếp đó là “Hành trình đến Thăng Long” với các trưng bày: Hành trình đến Thăng Long, Những cư dân đầu tiên, Nhà nước sơ khai, Trống đồng, thời Bắc thuộc, Đấu tranh giành độc lập. Ở tầng hai, chủ đề quan trọng nhất là “Thăng Long thời Đại Việt”. Các hiện vật được trưng bày thể hiện sự phát triển của kinh đô Thăng Long từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18; bao quát nhiều mặt như: Diện mạo kiến trúc, đấu tranh chống ngoại xâm, trung tâm quyền lực chính trị và tri thức, không gian Kẻ Chợ, đời sống tâm linh. Không gian trưng bày tại tầng ba là Hà Nội thế kỷ 19-20. Tại đây, khách tham quan được tìm hiểu về nhiều mặt đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội thông qua các chủ đề như: Làng nghề - phố nghề, Thành phố thuộc địa, Cư dân thành phố, Tôn giáo tín ngưỡng, Đời sống văn hóa - nghệ thuật... Tầng bốn sẽ trưng bày hình ảnh Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Hà Nội trên đường đổi mới... Từ những chủ đề trưng bày này, các nhà chuyên môn sẽ xây dựng những kịch bản, phương án cụ thể để các hiện vật vừa được sắp đặt khoa học, hiện đại, áp dụng công nghệ tạo sức cuốn hút.

Mới đây, Bảo tàng Hà Nội tổ chức gặp mặt thảo luận với nhà tư vấn, các chuyên gia về thiết kế chi tiết bảo tàng để chỉnh sửa những khâu cuối cùng. Theo chuyên gia tư vấn Veronique Dollfus (Pháp): “Phần trưng bày thiên nhiên sẽ lấy bối cảnh núi Ba Vì làm điểm nhấn. Bảo tàng sẽ sử dụng nhiều hình ảnh kích thước lớn, nhỏ khác nhau, xử lý bằng những kỹ thuật hiện đại để người xem có thể tiếp cận hình ảnh thiên nhiên Hà Nội ở mọi góc nhìn, từ xa đến gần. Bảo tàng cũng có những hình ảnh, câu chuyện về những loại cây, hoa mang tính biểu tượng như cây tre, hoa sen; giới thiệu đến khách những bộ phim đặc sắc về sông, hồ ở Hà Nội, để làm rõ đặc trưng thành phố sông hồ. Bảo tàng dành không gian riêng giới thiệu về hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm”. Không gian trưng bày về lịch sử Thăng Long - Hà Nội là phần được nhiều chuyên gia quan tâm nhất. Mặc dù đã sưu tập được một khối lượng hiện vật khá đồ sộ, nhưng tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho rằng: “Chủ đề “Hành trình đến Thăng Long” có giai đoạn tiền Đông Sơn, gắn với cách mạng nông nghiệp là chuyển từ dùng cuốc sang dùng cày, từ đồ gốm sang luyện kim. Phần trưng bày này còn thiếu hiện vật dùng cày. Bảo tàng Hà Nội nên bổ sung”. Đối với chủ đề “Thăng Long thời kỳ Đại Việt”, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết, cấu trúc trưng bày của Bảo tàng Hà Nội còn thiếu tư liệu về giai đoạn thế kỷ thứ 10 - khi Lý Thái Tổ chưa định đô tại Thăng Long, song lại là giai đoạn kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra kỷ nguyên văn hóa Thăng Long - Đại Việt. Các hiện vật khảo cổ tìm được trong thế kỷ 10 khá phong phú. Bảo tàng cần thể hiện rõ hơn tầm quan trọng của giai đoạn này trong trưng bày.

Dù cần phải bổ sung, nhưng nhìn chung, các chuyên gia đánh giá cao cách xây dựng chủ đề trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, những ứng dụng công nghệ mới, cách thức hoạt động mới của bảo tàng thông qua bố trí những màn hình tương tác để công chúng có thể tìm hiểu thêm thông tin; hệ thống sơ đồ, bản đồ; phòng trải nghiệm, trong đó có phòng dành cho trẻ em; các không gian tái tạo, sắp đặt, mô hình trưng bày... Đây sẽ là những điểm nhấn thu hút khách tham quan. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết thêm: “Do khối lượng hiện vật rất lớn và yêu cầu đổi mới trong trưng bày, cho nên công tác chuẩn bị mất rất nhiều thời gian. Riêng phần bài giới thiệu trong trưng bày đã lên tới hàng trăm bài, gần 100 phim khoa học, hàng nghìn tài liệu lịch sử cần nghiên cứu giới thiệu, chưa kể đến các không gian cho hoạt động tương tác, trải nghiệm… Bảo tàng Hà Nội đang cố gắng để có thể chính thức thể hiện được “diện mạo” thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Hà Nội vào đầu năm 2020”.

Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010. Tuy nhiên, phải mười năm sau thành phố mới hoàn thành toàn bộ trưng bày. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi xây dựng các công trình văn hóa trên địa bàn.