Hoàn thiện cơ sở pháp lý triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Ðể có thể triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội từ tháng 7-2021, nhiều cơ sở pháp lý quan trọng đang được hoàn thiện. Trong đó, dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (dự thảo) đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến, được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Ðại biểu phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo do Bộ Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: HUY KIÊN
Ðại biểu phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo do Bộ Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: HUY KIÊN

Dự thảo gồm 6 chương, 39 điều, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của UBND phường, Chủ tịch UBND phường trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ðáng chú ý, khi thực hiện thí điểm, về cơ cấu tổ chức, mặc dù chính quyền địa phương ở các phường thuộc các quận của TP Hà Nội vẫn được gọi là UBND phường, là cơ quan hành chính nhà nước, tuy nhiên, cơ cấu tổ chức đã khác so với trước. Cụ thể, UBND phường gồm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng công an phường, các công chức giữ vị trí chức danh Chỉ huy trưởng quân sự phường, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội. Về nguyên tắc hoạt động, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường và các công chức khác của phường, bảo đảm theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND phường giúp Chủ tịch UBND phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch UBND phường. Ðể thể hiện rõ hơn quy định về chế độ "thủ trưởng" trong hoạt động của UBND phường, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các công chức khác của UBND phường trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Mới đây, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo do Bộ Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, các đại biểu đã cơ bản đồng tình, thống nhất với bố cục, nội dung Dự thảo, đồng thời, bổ sung một số ý kiến để nghị quyết khi được ban hành chặt chẽ, mang tính thực tiễn cao hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Từ tháng 7-2021, TP Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị là việc làm cần thiết, giúp thành phố giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị hiện nay. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý, khi công chức UBND phường chuyển thành công chức cấp quận thì tổng biên chế Bộ Nội vụ giao cho thành phố cần có sự thay đổi. Bên cạnh đó, cần bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Ðảng, nhưng tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, thực hiện phân cấp và ủy quyền cho địa phương để vừa bảo đảm về mặt quản lý nhà nước, vừa bảo đảm các tổ cộng Nđồng hoạt động hiệu quả, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Là người quản lý trực tiếp tại cơ sở, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Ðức Tuấn mong muốn trong quá trình hoàn thiện Dự thảo, Ban tổ chức cần quan tâm đến mối quan hệ công tác giữa UBND phường với hệ thống chính trị phường. Lý do là khi tổ chức thí điểm, chính quyền tại quận chỉ còn hai cấp trong khi hệ thống chính trị vẫn là ba cấp. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần có quy chế tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị phường để hướng dẫn cơ sở, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, không gây xáo trộn khi triển khai thí điểm.

Liên quan đến vấn đề thu, chi ngân sách, Chủ tịch HÐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng có ý kiến, khi thực hiện thí điểm UBND phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách, chứ không còn là một đơn vị cấp ngân sách, do đó cần có hướng dẫn về việc chi ngân sách và tăng cường công tác giám sát vấn đề này. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga cũng chỉ ra khó khăn trong công tác quản lý nếu dự thảo quy định UBND phường không chuyển giao chức năng, nhiệm vụ xuống tổ dân phố. "Trong nhiều năm qua, các nhiệm vụ về thu thuế, tuyên truyền được các tổ dân phố thực hiện tốt, nếu sắp tới chỉ giao cho đội ngũ công chức phường thì sẽ gặp khó khăn, vì số lượng công chức có hạn, nhiều trường hợp công chức không phải là người địa phương", đồng chí Trần Thị Nga dẫn chứng.

Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước được phép triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thời gian từ nay đến tháng 7-2021 không còn dài, nhiều ý kiến đề nghị các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung quan trọng này sớm được hoàn thiện, ban hành, để TP Hà Nội có thể triển khai tốt nhất việc thí điểm nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.