Hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo là một trong những trụ cột của thành phố sáng tạo, đồng thời là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, các không gian sáng tạo của Hà Nội chưa có sự chuyển biến lớn, thậm chí, một số không gian sáng tạo gặp khó khăn, phải giải thể. Ðiều này cho thấy thành phố cần có những giải pháp hỗ trợ để những không gian sáng tạo phát triển.

Các hoạt động văn hóa tại không gian sáng tạo Complex 01 thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng.
Các hoạt động văn hóa tại không gian sáng tạo Complex 01 thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng.

Thiếu sự bền vững

Không gian sáng tạo "Ơ kìa Hà Nội" vừa thông báo chuyển đến địa điểm mới, trên tầng 5 của Tập thể Bưu Ðiện, trong một ngõ nhỏ trên phố Ngọc Khánh. Không gian mới rất ấn tượng, bởi chủ nhân của nó tiếp tục tái tạo một Hà Nội xưa cũ, với những trang trí rất Hà Nội. Song, đây đã là lần thứ ba, "Ơ kìa Hà Nội" phải chuyển nhà một cách bất đắc dĩ, chỉ sau vài năm hoạt động. Trong đó, không gian ấn tượng nhất vẫn là một ngôi nhà hai tầng cũ trên phố Hoàng Hoa Thám. Ở đó có khoảng sân vườn gợi lên vẻ hoài cổ và tạo thuận lợi cho các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. "Ơ kìa Hà Nội" là không gian sáng tạo được xây dựng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp. Ðó là một trong những địa chỉ văn hóa, với những đêm nhạc, thơ, những buổi giao lưu, trò chuyện về điện ảnh, hay các hoạt động hướng về văn hóa truyền thống… được người Hà Nội nói chung, giới trẻ nói riêng yêu thích. Hoạt động hiệu quả và nhiều ý nghĩa, nhưng việc phải chạy quanh thành phố vì mặt bằng phần nào nói lên những khó khăn của không gian sáng tạo.

So với "Ơ kìa Hà Nội", tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða) còn để lại nhiều tiếc nuối hơn. Tổ hợp này gồm hơn 20 cửa hàng khác nhau, với nhiều loại hình nghệ thuật, sáng tạo kết hợp với các cửa hàng ẩm thực, từ thiết kế, nhiếp ảnh, cho đến âm nhạc… Hoạt động được ba năm thì một lần phải dừng hoạt động. Ðến đầu năm 2021, tổ hợp 60S Thổ Quan dừng hoạt động hẳn, vì đối tác đòi lại mặt bằng. 60S Thổ Quan là không gian được cải tạo từ hai căn biệt thự Pháp cổ và một dãy nhà cũ. Do đó, không gian này đậm chất Hà Nội xưa. Nhiều người ví, đây là nơi thời gian như dừng lại. Ðó là một tổ hợp được tạo thành bởi ông chủ là những nhà thiết kế, nhiếp ảnh, hay những người yêu nhạc… khác nhau. Khi bị đòi mặt bằng, một số người tìm những địa điểm mới để xây dựng những không gian sáng tạo, thì không ít người chuyển hẳn hướng làm ăn. Ðây là điều khiến nhiều người nuối tiếc, vì rất khó để có được một tổ hợp nhiều loại hình nghệ thuật sáng tạo như thế.

Ðã gần hai năm kể từ khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong hồ sơ tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, không gian sáng tạo là một trong ba trụ cột (bên cạnh khối làng nghề và di sản). Ðây là nơi nuôi dưỡng các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, "trụ cột" này không bền vững. Dịch Covid-19 cũng góp phần làm những không gian sáng tạo điêu đứng hơn, nhất là những không gian do tư nhân tổ chức. Có quãng thời gian, số lượng không gian sáng tạo trên địa bàn tăng nhanh, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại. Thời gian gần đây, trong khi một số không gian biến mất, thì chỉ một không gian sáng tạo đáng chú ý xuất hiện là Complex 01 tại phố Tây Sơn. Tuy nhiên, giá thuê mặt bằng tại đây khá đắt, khiến những nghệ sĩ, nhà thiết kế mới khởi nghiệp khó tiếp cận.

Cần hỗ trợ để phát triển

Khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã cam kết và triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo các diễn đàn kết nối các không gian sáng tạo, tìm giải pháp hợp tác công - tư… Cuối năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi "Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội" với mong muốn tìm tòi thêm những ý tưởng về phát triển không gian sáng tạo. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng có các hoạt động thúc đẩy không gian sáng tạo. Mới đây, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp Chương trình Ðịnh cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo tham vấn "Hà Nội - Thủ đô sáng tạo". Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể, nhất là biện pháp hỗ trợ cho không gian sáng tạo tồn tại và phát triển. Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh, hầu hết không gian sáng tạo do giới trẻ gây dựng với nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô lại rất cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như không gian sáng tạo còn chưa nhiều. Ðiều này khiến nhiều không gian ra đời rồi ngừng hoạt động.

Theo Viện trưởng Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn, không nên ứng xử với các không gian sáng tạo như doanh nghiệp bình thường, vì đặc điểm của các mô hình này là mang tính thử nghiệm và hướng tới cộng đồng. Cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế; xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có cơ hội phát triển. Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hy vọng rằng trong Nghị quyết chuyên đề này, vấn đề xây dựng Thành phố sáng tạo, không gian sáng tạo được quan tâm đúng mức, để từ đó, xây dựng các giải pháp hỗ trợ có tính bền vững, lâu dài cho các không gian sáng tạo phát triển.

Giang Nam