Hỗ trợ người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch

Thời gian qua, ngoài những cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện, còn có nhiều cán bộ thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, bảo vệ địa điểm cách ly; lực lượng ứng trực tại các cửa ngõ của thành phố cũng góp sức phòng, chống dịch Covid-19… UBND thành phố đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HÐND thành phố Hà Nội mức hỗ trợ đối tượng này. Ðể bảo đảm chi đúng, chi đủ, MTTQ thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị góp ý, phản biện cho dự thảo.

 Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt đối với người dân tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh trong thời gian cách ly y tế. Ảnh: VINH PHẠM
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt đối với người dân tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh trong thời gian cách ly y tế. Ảnh: VINH PHẠM

Hai vấn đề lớn dự thảo nghị quyết nêu ra là mức kinh phí hỗ trợ đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh và người phải cách ly tập trung. Ðối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh, mức cao nhất dành cho người trực tiếp giám sát, điều tra, xác minh, trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh là 300 nghìn đồng/người/ngày. Các đối tượng khác, tùy theo mức độ khó khăn, nguy hiểm của công việc sẽ có mức hỗ trợ khác nhau. Mức thấp nhất là 150 nghìn đồng/ngày, trong đó, bao gồm cả các đối tượng tham gia phòng, chống dịch chưa được quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1137/QÐ-UBND ngày 20-3-2020 của UBND thành phố như: cán bộ, người lao động (gồm các lực lượng: công an, quân đội, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng dân phòng, lực lượng tự quản), cán bộ thuộc các cơ quan y tế dự phòng tham gia phòng, chống dịch bệnh… Các đối tượng này được hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày. Các cộng tác viên, tình nguyện viên cũng nhận được hỗ trợ.

Ðối với người phải cách ly, gồm đối tượng bị cách ly tập trung và đối tượng bị cách ly tại khu vực bị phong tỏa, cũng được hỗ trợ tiền ăn 100 nghìn đồng/người/ngày và hỗ trợ các vật dụng thiết yếu với mức 40 nghìn đồng/người/ngày. Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, đây là những mức hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở quy định của Chính phủ, cũng như đặc thù riêng của TP Hà Nội. Dự kiến tổng kinh phí khoảng 59,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 39,7 tỷ đồng, ngân sách quận, huyện, thị xã là 19,8 tỷ đồng.

Ngày 12-5, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo nghị quyết HÐND thành phố về việc quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Các đại biểu nhất trí rằng, nghị quyết là rất cần thiết, sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và góp phần ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, làm sao để số tiền đến đúng đối tượng là vấn đề cần quan tâm. Ông Lê Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết: "Cần bảo đảm hỗ trợ đúng, hỗ trợ đủ cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch cũng như đối tượng cách ly. Bên cạnh đó, cần xác định rõ yếu tố đặc thù của Thủ đô. Cần tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận trong việc xác định các đối tượng được hỗ trợ". Với đặc thù của Hà Nội là vùng dịch phức tạp, cho nên các đại biểu đồng tình với cơ chế một số mức hỗ trợ xây dựng cao hơn mức chung của cả nước. Các đại biểu cũng nhất trí phải rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các đối tượng, để tránh tình trạng không làm cũng hưởng, trong khi có người trực tiếp tham gia lại có thể bị sót lọt.

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội cho rằng, trong tờ trình cần bổ sung một số đối tượng cần được hỗ trợ. Thí dụ, như người dân thôn Hạ Lôi bị thiệt hại kinh tế nặng nề, vì sau một tháng cách ly, hoa không được chăm sóc, cho nên bị hỏng hết, không thể bán được. Hay như phóng viên báo chí ở các cơ quan truyền thông tác nghiệp trực tiếp cũng phải được khen thưởng và hỗ trợ kịp thời, bởi đây là lực lượng tuyến đầu trong công tác tuyên truyền. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương tiếp thu ý kiến phát biểu của các cơ quan liên quan, các nhà khoa học và thành viên các hội đồng tư vấn. MTTQ thành phố sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp để gửi tới HÐND thành phố xem xét, cho ý kiến và sớm thông qua. MTTQ thành phố cũng sẽ đề xuất nghiên cứu lại tên nghị quyết để bảo đảm không xảy ra nhầm lẫn, nhất là nhầm lẫn với gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.