Hỗ trợ người khuyết tật vượt khó vươn lên

Hà Nội hiện có 102 nghìn người khuyết tật (NKT). Cùng với những chính sách hỗ trợ của thành phố, cộng đồng NKT Hà Nội đã nỗ lực vươn lên. Nhiều người trong số đó trở thành những chuyên gia công nghệ, những chủ doanh nghiệp hay những gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nằm trên phố Quan Nhân, Văn phòng Hội NKT quận Thanh Xuân mỗi buổi chiều chủ nhật lại trở nên sôi nổi. Ðó là khi lớp học tiếng Anh dành cho NKT được tổ chức. Phòng họp của Hội NKT được biến thành giảng đường. Hội NKT quận Thanh Xuân phối hợp một số tổ chức xã hội mời hẳn giáo viên nước ngoài đứng lớp. Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thúy Ngân cho biết: "Quận luôn quan tâm tạo cơ hội việc làm cho NKT để những người gặp khó khăn có thể tự lực vươn lên. Từ năm 2015, Hội NKT quận đã tổ chức các lớp đào tạo công nghệ cho NKT. Chúng tôi cũng liên tục tổ chức các lớp tiếng Anh cho NKT, nhất là các bạn trẻ. Khi được đào tạo nghề, có khả năng giao tiếp tiếng Anh thì cơ hội tìm kiếm việc làm của các bạn tăng lên. Nhiều cháu sau khi tham gia các lớp học đã tìm được việc làm, tự lo liệu cuộc sống, giúp ích cho xã hội".

Thành phố hiện có 102 nghìn NKT. Năm 2013, để tăng cường công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Ðề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020. Trong đó, thành phố xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho NKT như: Hỗ trợ về khám, chữa bệnh, tiếp cận phương tiện giao thông, học tập, đào tạo nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, cho vay vốn… Mỗi năm Hà Nội dự kiến dành từ hai đến ba tỷ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và giải quyết việc làm để tổ chức dạy nghề miễn phí cho NKT có nhu cầu và có khả năng học nghề. Căn cứ đề án này, các sở, ngành, quận, huyện đã triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Trịnh Xuân Dũng, Hội NKT thành phố hiện đã thu hút được 15 nghìn hội viên tham gia. Trong đó 3.500 hội viên có việc làm ổn định. So với cả nước, đây là tỷ lệ khá cao. Các cấp Hội NKT thành phố không chỉ chăm lo đời sống của hội viên, mà còn quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ những NKT chưa tham gia Hội. Cũng theo ông Trịnh Xuân Dũng, một trong những vấn đề đặt ra lớn nhất đối với NKT là cơ hội việc làm. Hội NKT luôn nỗ lực để giúp đỡ hội viên có điều kiện tìm được việc làm, hoặc tự tổ chức các mô hình làm ăn, có thu nhập. Các lớp đào tạo tập trung vào những nghề phù hợp với thể trạng, trình độ của NKT như: làm tóc, làm móng, chế biến món ăn, tin học, mây tre đan, may công nghiệp…

Ngoài các lớp dạy nghề do Hội NKT thành phố, hội NKT các quận, huyện và một số trung tâm bảo trợ NKT cũng tổ chức các lớp dạy nghề, dạy văn hóa…, điển hình như Hội NKT các quận Thanh Xuân, Hà Ðông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm… Những năm qua, Hội NKT TP Hà Nội còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm cho NKT. Ðầu năm 2019, Ngày hội việc làm cho NKT lần thứ 7 đã được tổ chức tại xã Tiên Dương (huyện Ðông Anh). Ðể tổ chức những ngày hội này, Thành đoàn Hà Nội cùng Hội NKT thành phố đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về NKT; qua đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia ngày hội, tạo điều kiện cho NKT có cơ hội tìm việc làm. Năm 2019, đã có 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhân lực, khoảng 1.000 lượt NKT đã đến tìm hiểu, tư vấn, ứng tuyển vào các vị trí việc làm. Song song với hình thức đào tạo nghề, Hội NKT TP Hà Nội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và các quận, huyện bảo lãnh để các hội viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các quận, huyện như: Long Biên, Ðống Ða, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì… hỗ trợ nhiều hộ gia đình khuyết tật vay vốn sản xuất, qua đó thoát nghèo.

Từ hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, nhiều NKT không những tự giải quyết được việc làm mà còn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho những NKT khác. Ðiển hình như các anh, chị: Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (tức Vụn Art, quận Hà Ðông); Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), chủ cơ sở may; Ðinh Thị Quỳnh Nga ở xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng; Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HÐQT Công ty KymViet (quận Hà Ðông)… Mặc dù vậy, cộng đồng NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Trịnh Xuân Dũng, thành phố cần tạo điều kiện hơn nữa để NKT vay vốn sản xuất, tiếp cận các cơ hội việc làm. Ðặc biệt, khi xây dựng kết cấu hạ tầng, cần chú ý tạo điều kiện cho NKT hơn nữa, nếu không, NKT sẽ gặp nhiều cản trở khi hòa nhập với xã hội.