Hiệu quả từ phong trào thi đua yêu nước

Với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, ngày càng thực chất, các phong trào thi đua là động lực để thành phố Hà Nội phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại. Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh, nhân rộng.

Người dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc đường hoa, làm đẹp đường làng, ngõ xóm.
Người dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc đường hoa, làm đẹp đường làng, ngõ xóm.

Thời gian qua, các phong trào thi đua trên địa bàn Thủ đô đã đi vào từng lĩnh vực của cuộc sống. Mỗi cấp, ngành, đơn vị đều tổ chức những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, địa phương.

Phát triển chuỗi liên kết là một sáng kiến điển hình trong thi đua khen thưởng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang được nhân rộng, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm. Điển hình là mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết tại Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Vượt qua những khó khăn ban đầu, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, đến nay, hợp tác xã đã phát triển nhiều sản phẩm thịt bán ra thị trường từ thịt mát, thịt cấp đông đến các loại xúc xích, giò, chả, thịt xông khói... Từ những mô hình như HTX chăn nuôi Hoàng Long, cho đến nay, thành phố đã có 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật, 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Nhờ tích cực đổi mới thi đua, từ đầu năm đến nay, ngành lao động - thương binh và xã hội Hà Nội đã tạo việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, đào tạo nghề cho gần 50 nghìn lượt người. Giám đốc Sở Lao động -

Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, thành phố đã vận động được hơn 21 nghìn tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đạt 109% kế hoạch; tặng hơn 3.200 sổ tiết kiệm tình nghĩa đạt 128% kế hoạch. Các chỉ tiêu về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà cho hộ nghèo cũng thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu.

Tại huyện Gia Lâm, các phong trào thi đua tập trung vào nhiều lĩnh vực khó, phức tạp như công tác giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng đô thị, công tác vệ sinh môi trường... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, để huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện đã phát động và nhân rộng mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm”. Đến nay, toàn huyện có 284 hộ dân hiến hơn 2.000 m2 đất ở, 31.000 m2 đất nông nghiệp làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, nội đồng, kênh mương. Đồng thời, đóng góp hơn 22 nghìn ngày công lao động, cải tạo, nâng cấp 162,7 km đường giao thông nông thôn.

Từ các phong trào thi đua rộng khắp, trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực, từ những công nhân không ngừng lao động sáng tạo, những cán bộ công chức kiểu mẫu đến những giáo viên hết lòng vì học sinh, người nông dân dám nghĩ, dám làm. Họ cũng có thể là những người bình dị nhưng có việc làm cao quý, được xã hội trân trọng, tôn vinh. Như chị Trần Phương Lan, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, đã có bảy năm gắn bó với Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bóng nước” (CLB EB). Chị đã lặng lẽ nuôi dưỡng các em bé bị mắc bệnh ly thượng bì bóng nước, một căn bệnh quái ác khiến những cơ thể những đứa trẻ luôn rỉ máu đau đớn, hỗ trợ 100% thuốc, bông băng, sữa, bỉm cho các bé. CLB EB luôn là một địa chỉ tin cậy, ngôi nhà chung cho những trẻ em mắc bệnh EB trên cả nước.

Bằng các nội dung thiết thực, các phong trào thi đua trên địa bàn Hà Nội đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đến nay, thành phố đã có 19 trong tổng số 20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó bốn chỉ tiêu dự kiến vượt là: Kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm; giảm tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm. Đồng chí Phạm Huy Giang, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá, Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước về triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, cũng như đa dạng các hình thức biểu dương, khen thưởng. Đáng chú ý, việc thành lập và hoạt động có hiệu quả mô hình Tổ công tác chuyên đề của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu trong phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Như mạch ngầm lan tỏa, các phong trào thi đua trên địa bàn Thủ đô không chỉ mang lại động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, mà đã góp phần làm lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, thanh lịch.