Hè vui với trò chơi khám phá di sản

Kỳ nghỉ hè đã bắt đầu, để tạo sân chơi cho các em học sinh, nhiều cơ quan, đơn vị tại Hà Nội tổ chức các chương trình hoạt động phong phú, thú vị.

Các em nhỏ tham gia hoạt động Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Các em nhỏ tham gia hoạt động Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Trong đó, nhiều chương trình gắn với trải nghiệm, tìm hiểu di sản như “Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Em tập làm nhà khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long” hay “Em học làm thuyết minh” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, không gian cổ kính bên hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) rực rỡ sắc mầu và sôi động khi Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Công ty LongLink Việt Nam tổ chức khai mạc chuỗi chương trình “Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ” lần thứ hai. Con đường quanh hồ Văn trở thành một “con đường di sản”, để các em có thể khám phá nhiều di sản văn hóa của cha ông thông qua các hoạt động vừa học, vừa chơi. Các hoạt động được chia thành nhiều nhóm chủ đề khác nhau. Chủ đề “Sĩ tử nhập môn” hướng các em đến những nghề thủ công truyền thống như: làm giấy dó, trải nghiệm làm gốm, vẽ diều, chế tác chuồn chuồn tre, học cách ướp trà sen… Các nghệ nhân đến từ những làng nghề truyền thống nổi tiếng như Thạch Xá (huyện Thạch Thất), Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Trung tâm Bảo tồn diều Việt Nam… trực tiếp hướng dẫn các em các kỹ thuật làm nghề, để các em tự tay làm ra sản phẩm. Mỗi nghề truyền thống được bố trí một gian hàng riêng, tùy vào nhu cầu và khả năng, các em có thể lựa chọn trải nghiệm một “nghề” nào đó mà mình yêu thích. Ngay trong ngày khai mạc, khu vực đông nhất là gian hàng giới thiệu và hướng dẫn làm diều, chuồn chuồn tre. Em Nguyễn Tùng Lâm (phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Em được mẹ đưa đến Văn Miếu tham quan. Em rất vui khi ở đây có nhiều trò chơi dân gian. Em đã tự tay làm một con chuồn chuồn tre và vẽ lên những mầu sắc. Em cũng làm một con diều. Nhưng thì phải đợi khi nào bố mẹ cho đi chơi thì mới thả diều được”.

Chuỗi sự kiện “Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ” diễn ra từ ngày 1-6 đến 25-8. Ngoài các hoạt động trải nghiệm di sản diễn ra thường xuyên, dịp cuối tuần sẽ có thêm phiên chợ quê vào mỗi sáng chủ nhật, Ban Tổ chức sẽ thiết kế một cuộc tọa đàm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống. Các em sẽ được các chuyên gia chia sẻ để có thêm những kỹ năng sống, thêm hiểu biết về giá trị văn hóa dân tộc. Chương trình còn có sự tham gia của các nghệ nhân, những tấm gương người khuyết tật vượt khó để sống có ích, làm đẹp cho đời…

Bên cạnh đó còn có các hoạt động như “Trại hè sáng tác tranh Chắp cánh ước mơ” với cuộc thi vẽ tranh mầu nước dành cho trẻ em vào chiều chủ nhật; “thả đèn hoa chữ” vào tối chủ nhật hằng tuần cùng các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sĩ tử xưa. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Chúng tôi đã chọn lọc những hoạt động để các em có thể trải nghiệm văn hóa truyền thống. Qua những hoạt động này, các em có thể có mong muốn tìm hiểu thêm, thêm yêu văn hóa truyền thống cũng như kết hợp với các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách và phát triển trí tuệ cho trẻ”.

Để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh trong dịp hè, nhiều cơ quan, đơn vị đã có các chương trình hoạt động phong phú. Trong đó, nhiều hoạt động nhấn mạnh đến trải nghiệm, giáo dục di sản, giáo dục lịch sử, văn hóa của Thủ đô như: “Em tập làm nhà khảo cổ” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, “Em học làm thuyết minh” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Từ tháng 4-2019, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bắt đầu “tuyển sinh” chương trình “Em học làm thuyết minh”. Các em học sinh từ chín đến 15 tuổi tự quay một clip giới thiệu bản thân và thể hiện năng khiếu. Từ đó, Ban Tổ chức chọn ra những em có phong cách nhất để tham gia một khóa học tám buổi hướng dẫn em kiến thức, kỹ năng thuyết minh.Các em sẽ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ lựa chọn giới thiệu một vấn đề, một di tích cụ thể nằm trong cụm di tích. Ban Tổ chức chú trọng những câu chuyện tưởng chừng giản dị, nhưng lại làm ngời sáng đạo đức, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng dưới chế độ nhà tù thực dân Pháp. Cán bộ Di tích Nhà tù Hỏa Lò Phạm Thị Hoàng My cho biết: “Đây là năm thứ ba Di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai chương trình. Ban đầu, mọi người nghĩ thuyết minh ở Nhà tù Hỏa Lò thì khô khan. Nhưng chúng tôi thiết kế chương trình vừa giúp các em hiểu lịch sử, vừa rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước công chúng, rèn luyện sự tự tin. Bởi vậy, ngày càng có nhiều phụ huynh muốn con em mình tham gia. Dự kiến hoạt động “Em tập làm thuyết minh” sẽ bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc vào giữa tháng 7”.

Cũng trong dịp hè này, nhiều tổ chức tình nguyện do các bạn trẻ thành lập như My Hanoi, Sân đình, Hanoi Classy Event… đẩy mạnh triển khai giới thiệu, hướng dẫn các em nhỏ trải nghiệm trò chơi dân gian như: kéo co, đánh chuyền, ô ăn quan, nhảy dây…

Những hoạt động này góp phần khắc phục việc trẻ em Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, đồng thời, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống.