Hàng hóa nhiều, giá ổn định

Trong những ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội, tại Hà Nội, hoạt động mua bán lương thực, thực phẩm vẫn diễn ra bình thường. Lượng hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, chợ với mức giá ổn định.

Các mặt hàng thực phẩm dồi dào tại siêu thị Intimex (Hoàn Kiếm) trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Các mặt hàng thực phẩm dồi dào tại siêu thị Intimex (Hoàn Kiếm) trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Sau tình trạng ùn ùn đổ đến chợ, siêu thị mua sắm thực phẩm trong chiều 31-3, trước khi thành phố thực hiện cách ly xã hội, những ngày này, hoạt động mua bán nhu yếu phẩm diễn ra bình thường. Cửa hàng Hapro food số 24 phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) đầy ắp hàng hóa. Tại đây bán nhiều mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố như dầu ăn, gạo, đường, nước mắm, nước chấm, muối, sữa… Các mặt hàng khô như mì ăn liền, miến, đỗ, lạc… rất phong phú. Tại siêu thị Vinmart+ trên phố Thạch Bàn (quận Long Biên), hàng hóa đầy kín các quầy kệ, nhất là khu vực bán thịt tươi sống, rau xanh, củ quả, trứng gia cầm... Lượng khách đến mua vào buổi sáng cũng không đông. Hệ thống siêu thị này còn đang thực hiện giảm giá nhiều mặt hàng, từ hoa quả đến dầu ăn, giấy vệ sinh …

Tại các chợ, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức giá nhỉnh hơn trong hệ thống siêu thị. Bí xanh được bán phổ biến 25.000 đồng/kg; bắp cải: 15.000 đồng/kg; súp lơ: 8.000 đồng/chiếc loại nhỏ; mướp: 5.000 đồng/quả… Bác Trần Thanh Hà, bán hoa quả tại phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) than thở: “Buôn bán dạo này không biết đâu mà lần. Có buổi thì mọi người ùn ùn đi mua. Có buổi thì cả chợ vắng tanh, mãi chẳng có khách”. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (ở Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) giải thích: “Do ở nhà cả ngày, nhà hàng quán ăn cũng đóng cửa, cho nên ai cũng cần mua nhiều đồ ăn hơn cho cả gia đình. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cho nên tôi mua số lượng nhiều hơn mọi khi để hạn chế đi ra ngoài. Tôi thấy rất yên tâm vì đến giờ, thị trường Hà Nội chưa bị khan hiếm hàng hóa, giá cả giữ ổn định như bình thường”.

Sở Công thương Hà Nội khẳng định, ngành đã có kịch bản cung ứng hàng và trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng bảo đảm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm của người dân tăng gấp 1,5 đến 2 lần. Các doanh nghiệp cung ứng hàng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu gia tăng đột biến. Cụ thể, Tập đoàn Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (sở hữu hệ thống siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường. Hệ thống Co.opMart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, các hệ thống này cũng tăng thời gian mở cửa phục vụ, hướng dẫn người mua hàng thực hiện giữ khoảng cách an toàn khi mua sắm và đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi. Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng từ 60 đến 90 ngày. Do đó, người dân có thể tiếp tục yên tâm tiêu dùng, không cần mua hàng hóa tích trữ.