Hài hòa bảo tồn và phát triển tại di chỉ Vườn Chuối

Gần đây, tuyến đường vành đai 3,5 đang thi công đã đi ngang qua một phần di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép khai quật khu vực này để làm rõ giá trị khoa học, chuẩn bị cho các khâu tiếp theo. Sự việc ở di chỉ Vườn Chuối đặt ra vấn đề làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy (bên phải) khảo sát di chỉ Vườn Chuối.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy (bên phải) khảo sát di chỉ Vườn Chuối.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cấp phép cho Viện Khảo cổ học phối hợp các cơ quan của TP Hà Nội tổ chức khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối tại khu vực vừa bị san ủi để làm đường vành đai 3,5. Thời gian thực hiện khai quật từ ngày 25-4 đến tháng 11-2019, trên diện tích 300 m2. Tuy nhiên, việc khai quật là giải pháp tình thế khi khu vực này đã bị san ủi, đào xới để làm đường vành đai 3,5 từ tháng 3-2019. Trước sự việc kể trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khẩn trương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật khảo cổ tại khu vực này để làm rõ hơn các giá trị lịch sử, văn hóa.

Đến ngày 8-4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục có công văn gửi UBND huyện Hoài Đức khẳng định, chỉ giới dự án mở đường vành đai 3,5 do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư có đi qua một phần khu khảo cổ học Vườn Chuối. Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường vành đai 3,5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các bên liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học. Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng thôn Lai Xá cho biết: “Di chỉ Vườn Chuối nhiều lần bị xâm hại bởi các lý do khác nhau, khi thì do các công trình xây dựng, khi thì do người ta đến đào trộm cổ vật. Bởi vậy, người dân địa phương rất quan tâm đến các hoạt động tại khu vực di chỉ. Khi các phương tiện máy móc san ủi khu vực di chỉ, đã có nhiều hiện vật khảo cổ, nhất là các mảnh gốm phát lộ. Các nhà khoa học bước đầu nhận định, có những mảnh gốm có niên đại cách đây 3000 đến 3500 năm”.

Di chỉ Vườn Chuối được khai quật lần đầu vào năm 1969. Đến nay, di chỉ đã qua tám lần khai quật và thật sự là một “mỏ vàng” của khảo cổ học nước ta. Di chỉ này có hiện vật phong phú, là địa bàn cư trú của cư dân trong thời gian dài; minh chứng sống động về quá trình di cư của người Việt cổ từ trung du xuống đồng bằng; là di chỉ nguyên vẹn hiếm hoi từ thời Hùng Vương; đồng thời, là nơi cư trú của những công dân đầu tiên của Hà Nội. Vậy nhưng, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Vietracimex) thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch có diện tích bao trùm lên khu Vườn Chuối. Sau thời điểm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, các dự án phải dừng triển khai để rà soát quy hoạch, cộng với thị trường bất động sản trầm lắng, cho nên việc xây dựng bị đình trệ. Năm 2017, phía doanh nghiệp tiếp tục san lấp mặt bằng khiến các nhà khoa học phải viết đơn kêu cứu.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ thi công. Tháng 7-2018, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các nhà khoa học về phương án bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ. Tại cuộc tọa đàm, nhiều nhà khoa học đã thống nhất đề xuất TP Hà Nội khẩn trương làm các thủ tục để công nhận di chỉ Vườn Chuối là Di tích cấp quốc gia, để từ đó khoanh vùng, có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp.

Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng khảo cổ, nhiều bí mật về quá khứ còn ẩn giấu trong lòng đất. Trên địa bàn thành phố từng nhiều lần phát lộ hiện vật khảo cổ khi xây dựng các công trình, điển hình là phát lộ phế tích kiến trúc và lượng hiện vật khảo cổ khổng lồ tại số 18 phố Hoàng Diệu, phát lộ Đàn Xã Tắc khi xây dựng nút giao Ô Chợ Dừa, hay phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ khi xây dựng nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, thi công kè bờ sông Tô Lịch...

Trong khi đó, thành phố có nhu cầu xây dựng hạ tầng rất lớn. Đường vành đai 3,5 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vấn đề là phải làm sao tìm ra giải pháp hài hòa giữa việc bảo tồn các di sản văn hóa với sự phát triển của thành phố. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa là người viết đơn kêu cứu cho di sản Vườn Chuối vào cuối năm 2017, đồng thời cũng là người dành nhiều tâm huyết cho bảo vệ di sản Vườn Chuối, chia sẻ: “Về lâu dài, Hà Nội cần có quy hoạch khảo cổ để các đơn vị khi thi công có kế hoạch phù hợp.

Trong trường hợp này, cần thực hiện đúng quy định về bảo tồn di sản, đình chỉ thi công, thực hiện khai quật khảo cổ để đánh giá giá trị, rồi mới thực hiện các bước tiếp theo. Đối với đường vành đai 3,5 đi qua di chỉ Vườn Chuối, sẽ rất khó nắn chỉnh tuyến đường. Theo tôi, TP Hà Nội nên cho phép khai quật toàn bộ khu vực có đường đi qua, để nhận biết giá trị, lưu giữ hiện vật. Chúng ta vẫn có thể xây dựng tuyến đường và khu đô thị bình thường, nhưng có thể biến di chỉ thành một công viên khảo cổ nằm trong khu đô thị. Trong tương lai, Hoài Đức sẽ phát triển thành quận, việc có một công viên khảo cổ trong lòng khu đô thị sẽ rất độc đáo, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”.