Hà Nội dồn sức chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV), TP Hà Nội đang khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong. Mối nguy hiểm của dịch bệnh này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị và sự hợp tác, chấp hành, ý thức của mỗi người dân.

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 8 giờ ngày 2-2, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh; có 26 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút do nCoV, trong đó có 15 trường hợp xét nghiệm âm tính, 11 trường hợp đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ. Còn trên cả nước, đến ngày 3-2 đã có thêm trường hợp thứ tám dương tính với vi-rút nCoV. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã bố trí năm bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân nhiễm, nghi nghiễm chủng vi-rút này, gồm: Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn. Tại các bệnh viện này đã bố trí khu vực cách ly, khu vực nghi ngờ, khu vực điều trị... Ngoài năm bệnh viện này, các bệnh viện trực thuộc ngành vẫn tổ chức khu vực cách ly, khám, điều trị cho người bệnh khi cần. Sở Y tế đã thành lập bốn đoàn kiểm tra công tác phòng, chống nCoV do lãnh đạo Sở làm Trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra đột xuất tất cả các đơn vị y tế trực thuộc ngành, kể cả công lập và ngoài công lập. Thành phố cũng đã tăng cường các trang, thiết bị phòng, chống nCoV cho 65 đội phòng, chống dịch cơ động của thành phố và của 30 quận, huyện, thị xã; thường trực tiếp nhận thông tin dịch bệnh suốt 24 giờ tất cả các ngày trong tuần qua đường dây nóng 0969082115 và 0949396115.

PGS, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trung tâm đã tiếp nhận quy trình xét nghiệm phát hiện vi-rút nCoV từ nước Đức gồm mồi thử, kít thử... Với quy trình này, một lần xét nghiệm sẽ thực hiện được 48 mẫu và cho kết quả sau 12 giờ. Từ ngày 3-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội triển khai việc xét nghiệm cho các trường hợp nghi nhiễm nCoV, góp phần rút ngắn thời gian xét nghiệm hiện nay, đồng thời giảm quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Cùng với quy trình xét nghiệm, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rà soát sáu đơn vị cung ứng khẩu trang y tế nhằm bảo đảm khả năng cung ứng khẩu trang cho các đơn vị trong ngành và phân phối ra thị trường.

Cùng với ngành y tế, trong những ngày vừa qua, các ngành chức năng khác của TP Hà Nội cũng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Trong hai ngày 1 và 2-2, gần 3.000 trường học các cấp trên địa bàn đã được phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế sự xâm nhập, lây lan của vi-rút. Các khu vực được phun thuốc khử trùng bao gồm phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, hành lang, bếp ăn, khu vệ sinh... Nền nhà, bàn ghế, tay nắm cửa... được lau bằng chất tẩy rửa chuyên dụng. Bên cạnh đó, hơn 2.000 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục cũng được phun thuốc khử trùng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi-rút nCoV tại các phòng giáo dục và đào tạo, các trường. Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tua, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào thành phố, thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch. Sở Văn hóa - Thể thao cũng chỉ đạo dừng tổ chức tất cả các lễ hội.

Ngày 31-1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV). UBND thành phố chuẩn bị bốn phương án ứng phó với bốn cấp độ dịch bệnh. Đối với mỗi cấp độ, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành về công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, công tác truyền thông và công tác hậu cần theo các bước cụ thể. Thành phố yêu cầu, Sở Xây dựng chỉ đạo các công trường xây dựng khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi phát hiện có công nhân, người lao động tại công trường bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là với các công trường xây dựng có người lao động đến từ vùng dịch; xem xét tham mưu UBND thành phố trong việc bố trí địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống dịch bệnh bùng phát lan rộng trong cộng đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp cho ngành y tế thông tin về các trường hợp đi lao động tại các vùng có dịch trở về Việt Nam và lưu trú trên địa bàn. Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã, công an khu vực các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trạm y tế xã, phường trong việc giám sát quản lý và cung cấp thông tin những người đi về từ vùng có dịch lưu trú trên địa bàn. Phối hợp thực hiện cưỡng chế cách ly, khử khuẩn, triển khai các biện pháp chống dịch khi cần thiết. Cảng vụ Hàng không miền bắc chỉ đạo các đơn vị tại sân bay quốc tế Nội Bài triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.

Ngày 2-2, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) TP Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND yêu cầu tất cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là trong việc kiểm soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Chỉ thị nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương do đồng chí chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm trưởng ban; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND thành phố.