Hà Nội chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho nhân dân

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, để bảo đảm an toàn cuộc sống của nhân dân, lãnh đạo Thành ủy chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của thành phố để phòng, chống dịch bệnh với nỗ lực, quyết tâm cao nhất.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đón công dân trở về từ vùng dịch. Ảnh: Thành An
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đón công dân trở về từ vùng dịch. Ảnh: Thành An

Nhiều cách làm hiệu quả

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc 5 giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cao. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh là đầu mối vận chuyển, đón tiếp để thực hiện cách ly hơn 3.234 công dân của Hà Nội và một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên… Trong đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện cách ly 2.240 công dân tại bốn khu vực. Với kinh phí 57 nghìn đồng/người/ngày, nhưng những công dân được cách ly tại các điểm do Bộ Tư lệnh Thủ đô đảm nhiệm đều được ăn những bữa cơm chất lượng cao hơn. Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, sở dĩ có được điều này là do chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô tự tăng gia, sản xuất nhiều loại lương thực, thực phẩm. Bộ Tư lệnh Thủ đô còn tự xát gạo, ép trấu làm củi đun. Nhờ có nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, cho nên bữa cơm “nuôi dân” giảm được giá thành so với thị trường.

Việc giám sát, cách ly có vai trò mấu chốt trong ngăn chặn lây nhiễm nếu không may có dịch bệnh xảy ra. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các quận, huyện, thị xã đều thực hiện tốt công tác cách ly, giám sát. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những cách làm khác nhau để đạt hiệu quả cao. Huyện Mê Linh là địa bàn có Khu Công nghiệp (KCN) Quang Minh, là khu công nghiệp lớn, trong đó, có nhiều người nước ngoài làm việc. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hông cho biết: “Để nắm được số lượng người Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc trên địa bàn, nhất là lịch trình đi lại của họ, lực lượng công an khu vực cùng với giám đốc ma-két-tinh các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với nhau. Khi có sự phối hợp tốt giữa chính quyền, đoàn thể, y tế với các lực lượng này thì việc giám sát, cách ly các đối tượng trở nên thuận lợi hơn”. Huyện Đông Anh là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao, khi có 4.300 doanh nghiệp, riêng KCN Bắc Thăng Long có 65 nghìn công nhân. Năm xã khu vực phía đông huyện có nhiều làng nghề, nơi nhiều người Trung Quốc đến giao thương. Huyện ủy Đông Anh đã tổ chức hai kỳ sinh hoạt chuyên đề về dịch Covid-19 tại tất cả các chi bộ, quán triệt tới toàn bộ 13 nghìn đảng viên trên địa bàn. Từ các chi bộ, đảng viên, công tác chống dịch được lan tỏa ra các đoàn thể, đến cộng đồng.

Cũng liên quan công tác quản lý người nước ngoài, ban đầu, việc tuyên truyền gặp khó khăn do thiếu người biết tiếng Hàn, quận Bắc Từ Liêm khắc phục khó khăn này bằng cách liên lạc với Đại sứ quán Hàn Quốc. Sau đó, Đại sứ quán Hàn Quốc đã cử năm tình nguyện viên phiên dịch tiếng Hàn để hỗ trợ cán bộ tuyên truyền với người Hàn Quốc. UBND quận Cầu Giấy ký hợp đồng với hai trung tâm ngoại ngữ để cung cấp phiên dịch, nhằm trao đổi tốt hơn với người Hàn Quốc.

Không chủ quan, lơ là

Hà Nội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để xảy ra dịch bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới hiện đang hết sức phức tạp. Hà Nội là trung tâm giao thương, giao lưu văn hóa, du lịch, đầu mối giao thông của Việt Nam với quốc tế. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh bùng phát do lây nhiễm từ bên ngoài là rất cao. Bởi vậy, sáng 3-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo một số địa phương về công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương đã làm tốt công tác phòng dịch, nhưng hiện dịch bệnh đã bước sang giai đoạn mới, càng phải nỗ lực hơn nữa. Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tự phát hiện, phòng ngừa, giám sát trong cộng đồng. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn bộ kinh phí liên quan đến việc cách ly đối tượng nghi nhiễm dịch sẽ được UBND thành phố Hà Nội chi từ ngân sách. Thành phố giao Sở Tài chính và Sở Y tế thống nhất cơ chế chi tiêu để thành phố có thông báo cho các đơn vị thực hiện thanh, quyết toán.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, lây lan ra rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân. Bí thư Thành ủy yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối các cơ quan, đơn vị không được lơ là chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức. Đồng chí yêu cầu, cả hệ thống chính trị phải xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của thành phố, phải quán triệt tinh thần nhiệm vụ phòng, chống dịch là của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Các địa phương chủ động phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ, ưu tiên bảo vệ sức khoẻ cho người già và trẻ em, người nghèo. Song song với phòng, chống dịch phải thực hiện các giải pháp duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bí thư Thành ủy yêu cầu các ngành chức năng thực hiện việc xét nghiệm tất cả các trường hợp cách ly tại các khu tập trung, bởi nếu có trường hợp dương tính tại khu cách ly thì sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đối với lĩnh vực giáo dục, phải bảo đảm môi trường an toàn tuyệt đối khi học sinh quay trở lại trường.