Gương mẫu, chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng

Trước diễn biến phức tạp của các luồng thông tin trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa có văn bản khuyến cáo người tham gia mạng xã hội (nhất là cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên TP Hà Nội) cần giữ gìn chuẩn mực khi tham gia môi trường này.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên TP Hà Nội cần giữ gìn chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng. Ảnh: LAN UYÊN
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên TP Hà Nội cần giữ gìn chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng. Ảnh: LAN UYÊN

Theo thống kê của We Are Social - một công ty quốc tế chuyên tư vấn và nghiên cứu về truyền thông xã hội, tại Việt Nam hiện có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, đông thứ bảy trên thế giới. Trung bình một người dùng mạng xã hội ở nước ta dành hai giờ 37 phút trong ngày để vào mạng. Con số này đã chứng minh, mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Nhưng, điều cần lưu ý là các đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn để tiếp cận, lấy trộm thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin xuyên tạc tình hình trong nước, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, cho nên đã vô tình phát tán, truyền tải, hưởng ứng các thông tin sai trái, lệch lạc.

Theo các chuyên gia, có nhiều cách để người dùng nhận diện, kiểm chứng thông tin trên môi trường mạng. Nguồn tin có tính bảo đảm cao thường phát đi từ các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các báo điện tử, trang thông tin, mạng xã hội được cơ quan chức năng cấp phép. Người đọc tin nên kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung để tránh các bài giật tít, câu “view”. Cần chú ý đến thời điểm đăng phát thông tin, kiểm tra, xác minh những hình ảnh đăng tải cùng nội dung để tránh trường hợp bị “lái” theo mục đích của người phát tán thông tin. Đồng thời, để ý kỹ địa chỉ của trang thông tin điện tử. Bởi đã xuất hiện nhiều trang đăng ký tên miền gần giống với các trang có uy tín, nhằm gây hiểu lầm, như trang baomoi.com (trang được cấp phép) với trang baomoi.me (trang tin có máy chủ đặt ở nước ngoài không được cấp phép).

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyến cáo, khi tham gia môi trường mạng, người dùng nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tích cực, tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng cộng đồng trong giao tiếp và ứng xử. Chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, được kiểm chứng và không vi phạm pháp luật. Mỗi người cần biết cách bảo vệ bản thân trong việc giữ mật khẩu cá nhân, kiểm soát chặt chẽ danh sách bạn bè, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội. Không nên “vào hùa” theo đám đông để chia sẻ, nhận xét, bình luận trước một thông tin, sự kiện khi chưa tìm hiểu rõ về sự việc đó.

Cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên TP Hà Nội cần gương mẫu, chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng. Nên sử dụng mạng xã hội để thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phát triển của Thủ đô; quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, lan tỏa những gương người tốt, việc tốt, thái độ sống tích cực… Đồng thời, tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật. Tuyệt đối không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội hoặc đăng, phát thông tin, quan điểm trái ngược với quan điểm chung của cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc, tránh ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của tổ chức, cơ quan. Nhất là không đăng, phát thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước lên môi trường mạng.

Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần tuân thủ quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng in-tơ-nét; tăng cường quản lý thông tin người sử dụng và nội dung đăng tải. Cần có giải pháp kỹ thuật, bảo mật thông tin cho người dùng, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của môi trường mạng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sàng lọc, cung cấp, tiếp nhận thông tin hữu ích và an toàn. Các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin, góp phần từng bước lành mạnh hóa thông tin trên môi trường mạng, đem lại lợi ích cho xã hội.