Góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Chỉ sau hơn ba tháng triển khai chương trình “Đổi giấy lấy cây”, các sinh viên tham gia dự án Green Life đã thu gom được hàng chục tấn giấy, sách vở và rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

Sinh viên, học sinh tham gia sự kiện "Đổi giấy lấy cây" của Green Life.
Sinh viên, học sinh tham gia sự kiện "Đổi giấy lấy cây" của Green Life.

Một ngày cuối tuần, căn nhà số 33, ngõ 67 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) đông vui lạ thường. Ai đến đây cũng mang theo giấy, vỏ chai nhựa, pin đã qua sử dụng… để đổi lấy cây xanh. Một nhóm bạn trẻ xách các túi giấy vụn vừa đi vào, lại có nhóm khác cầm những chậu cây xanh xinh xắn bước ra. Mặt ai cũng vui tươi, rạng rỡ. Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, 32 tuổi, nhà ở quận Thanh Xuân, vừa vượt quãng đường hơn 10 km cùng với một túi đựng vỏ nhựa và sách cũ đến đổi cây. Chị Hà cho biết, số vỏ chai và sách không quá nhiều, cũng có thể thuê xe ôm chuyển đến. Tuy nhiên, qua mạng xã hội, chị thấy đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, cho nên muốn đến tận nơi như một cách ủng hộ tinh thần các bạn trẻ. “Tôi không ngờ một hoạt động của sinh viên lại có sức hút đến vậy. Rất đông người tham gia, ai cũng vui vẻ, hồ hởi. Ngày chủ nhật của tôi cũng trở nên ý nghĩa hơn”, chị Hà chia sẻ.

Trong tháng 3 vừa qua, Hoàng Quý Bình, Chủ nhiệm dự án Green Life và các thành viên đã thu gom được 10 tấn giấy và nhựa, pin các loại. Chàng sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội nói, pin và thiết bị điện tử hỏng khi thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Các loại giấy, vỏ nhựa nếu được tái chế, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm dầu, điện sản xuất. Đầu tháng 4, hơn 30 thành viên của dự án Green Life đã mang một tấn sách giáo khoa cũ và truyện tranh thu được tặng học sinh các điểm trường khó khăn nhất ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Nhìn nụ cười hạnh phúc của những đứa trẻ nghèo khi được tặng sách, truyện, các bạn trẻ như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục thực hiện dự án của mình.

Mặc dù nhiệt huyết với hoạt động “đổi giấy lấy cây”, nhưng có lúc Bình và các thành viên cũng gặp khó khăn. “ Sự kiện thu hút đông người quan tâm khiến chúng em bị lúng túng trong khâu tổ chức, do thiếu người hỗ trợ, thiếu nơi gửi xe, không gian tổ chức cũng chật hẹp”, Quý Bình chia sẻ. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả với Bình và những thành viên của Green Life là việc phân loại, xử lý giấy, vỏ chai nhựa và pin, thiết bị điện tử hỏng lên đến chục tấn. “Việc phân loại rác có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu mọi người làm từ nhà rồi mang đến. Dù chúng em đã đăng tải lời yêu cầu trên mạng xã hội nhiều lần, nhưng chỉ có khoảng 20% số người tiến hành phân loại trước khi đến, khiến các thành viên rất vất vả”, chủ nhiệm dự án Green Life tâm sự.

Sau hơn ba tháng tổ chức hoạt động “đổi giấy lấy cây”, hơn 25 tấn giấy, vỏ hộp sữa, chai lọ đã được thu gom tái chế, hơn hai tạ pin và thiết bị điện tử hỏng được xử lý, giúp giảm ô nhiễm môi trường đất và nước. Kết quả có được là sự nỗ lực không ngừng của những bạn trẻ yêu môi trường.

Không chỉ vậy, trên fanpage của Green Life, nhóm còn thường xuyên chia sẻ cách sống giúp bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải. Những việc làm của nhóm dần lan tỏa, tác động không nhỏ đến ý thức của cộng đồng. “Theo dõi nhóm Green Life ngay từ khi thành lập, em đã học được nhiều cách hạn chế sử dụng túi ni-lông hiệu quả. Mỗi lần đi chợ, em mang sẵn túi vải đi để đựng đồ muốn mua”, Hoàng Thị Linh, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển cho biết.