Giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển hướng, tìm kiếm thị trường mới.

Sản xuất các mặt hàng thời trang đồ da tại Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink).
Sản xuất các mặt hàng thời trang đồ da tại Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink).

Tuy nhiên, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Là doanh nghiệp dệt may sử dụng tới 600 người lao động mà hầu hết đều là người địa phương, Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây có trụ sở tại xã Tân Lập (huyện Ðan Phượng, Hà Nội) không bị thiếu hụt lao động bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào đang là vấn đề mà đơn vị này vướng mắc.

Giám đốc công ty Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: "Trong nhiều năm qua, công ty đã cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa khá cao, như 100% nguyên liệu đế dày, chi tiết trang trí… đều lấy trong nước, nhưng một số loại vải như vải dệt kẻ, vải in hoa… thì vẫn cần nhập khẩu từ Trung Quốc. Do việc thông quan hạn chế cho nên đến nay, công ty chưa thể nhập thêm được nguyên liệu mới. Lượng nguyên liệu hiện có chỉ còn đủ sản xuất cho đến giữa tháng 3 tới".

Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink) đóng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) Nguyễn Hữu Thành cho biết: "Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty trong quý I đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Không chỉ vậy, các kế hoạch tham gia chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng". Với nhiều đơn vị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về phân phối trong nước, thời gian này cũng đang tạm ngừng hoạt động do "tắc biên" hoặc phải chuyển sang tìm kiếm nguồn hàng từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chị Lê Minh Châu, chủ một cửa hàng thiết bị điện tử ở phố Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết, hàng Trung Quốc có ưu điểm là mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, phí vận chuyển cũng rẻ hơn so với nhập khẩu từ các nước khác. Do đó, hiện cửa hàng cũng chỉ dám nhập một lượng ít hàng Hàn Quốc, Nhật Bản để bán "túc tắc" trong thời gian chờ hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc trở lại bình thường.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất bị thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, nhất là các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, cao-su, nhựa, xuất khẩu nông sản…

"Dịch bệnh Covid-19 đang tác động không nhỏ tới doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế, đối tượng này chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh trong tất cả các khâu như tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn tái sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào…" - Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Ðể giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu mới. Công ty Hóa Dệt Hà Tây đã lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế; liên hệ, làm việc với các bạn hàng để xem xét, lựa chọn nguyên liệu tương đương để sử dụng cho sản phẩm. Công ty Eurolink cũng đang tìm hiểu về nguồn vật tư, nguyên, phụ liệu từ các thị trường Ấn Ðộ, châu Âu. Ðồng thời, tìm khách hàng mới để duy trì sản xuất. Theo đại diện các doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật tình hình của nhà cung cấp nguyên liệu, trang thiết bị như: tiến độ sản xuất, khả năng cung ứng, tình trạng làm việc…

Nếu thấy khó đáp ứng tiến độ của mình thì nhanh chóng chuyển hướng sang các đơn vị cung ứng khác ngoài Trung Quốc.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để góp phần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngành công thương Hà Nội đang quyết liệt triển khai các giải pháp. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ tập trung rà soát, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực trên địa bàn theo các cơ chế của Chính phủ và thành phố đã ban hành. Ðồng thời, làm việc với các sở, ngành liên quan để kiến nghị Chính phủ, thành phố thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp về lãi suất, thuế, nợ…

Về lâu dài, cần hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu và doanh nghiệp sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ thông qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành…

Như vậy sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường chính.