Giữ gìn và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều bạn đọc trong cả nước đã gửi tới Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, bày tỏ tâm tư, tình cảm trước sự phát triển của Thủ đô trong tiến trình lịch sử, đồng thời đóng góp giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, để thời gian tới, Thủ đô Hà Nội sẽ có bước phát triển mới, xứng với truyền thống ngàn năm văn hiến.

Phát huy giá trị các di sản xứng với tiềm năng

Tôi rất tự hào khi được chứng kiến thời khắc Thủ đô Hà Nội đón tuổi 1010. Trên thế giới, có nhiều nền văn hóa lâu đời, nhưng ít có kinh đô - Thủ đô của quốc gia nào có bề dày lịch sử như Hà Nội. Bề dày này được khẳng định qua các tư liệu lịch sử, các công trình khảo cổ học.

Tự hào về bề dày văn hóa, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là bảo tồn, phát huy như thế nào để quảng bá tiềm năng, lợi thế của kho tàng di sản phong phú, đa dạng với bạn bè trong nước và quốc tế, đem lại lợi ích thiết thực. Theo tôi, trước hết chúng ta cần nghiên cứu, tổng kết từng vấn đề lịch sử, văn hóa cho thích ứng với thời cuộc, từ khảo cổ đến tư liệu và kiến trúc. Chúng ta phải xây dựng chương trình quảng bá gắn với giáo dục thế hệ trẻ trong các trường học. Việc giáo dục, tuyên truyền các di sản văn hóa của Thủ đô không chỉ theo các ngày kỷ niệm, mà thường xuyên, liên tục trên các phương tiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện hơn, sâu sắc hơn của lãnh đạo thành phố. Ở TP Hải Phòng khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ (huyện Thủy Nguyên), lãnh đạo thành phố đã mời các nhà khoa học xác minh, làm quy hoạch, xây dựng con đường vào bãi cọc này. Chỉ sau một thời gian ngắn, di tích này đã thu hút nhiều khách tham quan. Còn Hà Nội có hơn 3.000 di tích đã xếp hạng, trong đó có nhiều di sản được thế giới công nhận, nhưng việc phát huy giá trị các di sản chưa xứng với tiềm năng. Do đó, tôi thấy cần xem xét lại, đánh giá hiệu quả công tác quản lý để từ đó tìm ra giải pháp hợp lý hơn. Thành phố nên có nghị quyết riêng về việc phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô; trong đó, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, phải có chương trình dài hơi và đầu tư thỏa đáng.

Tiến sĩ Phạm Mai Hùng

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống Thủ đô anh hùng

Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đánh dấu chặng đường lịch sử 1010 năm từ kinh đô Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội, là dịp tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật và xuyên suốt của mảnh đất văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, tới công chúng Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Thế hệ trẻ của chúng tôi vinh dự được sống trong những thời khắc lịch sử quan trọng này và thấy mình càng phải sống, học tập, làm việc sao cho xứng đáng với truyền thống của Thủ đô. Ðây cũng là cơ hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, khích lệ tinh thần, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển Thủ đô xứng với tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Phát huy truyền thống vẻ vang này, Ðoàn Trường đại học Công nghệ Ðông Á luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác mà Ðoàn cấp trên giao; tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, Ðại hội XIII của Ðảng... Ðoàn trường đã tổ chức sinh hoạt truyền thống, kết nạp đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú để Ðảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Ðồng thời, tăng cường giao lưu, học tập, công tác xã hội, thiện nguyện. Ðây là những hoạt động bổ ích, bồi đắp thêm tinh thần yêu nước cũng như trách nhiệm với xã hội cho từng bạn sinh viên, đoàn viên trong trường. Tôi mong muốn thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho giới trẻ có nhiều sân chơi bổ ích; có cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học và đầu tư khởi nghiệp; có cơ chế thu hút cán bộ trẻ được làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô.

Ðinh Văn Thành

Bí thư Ðoàn Trường đại học Công nghệ Ðông Á

Diện mạo mới của Thủ đô 1010 năm tuổi

1010 năm sau ngày Vua Lý Thái Tổ chọn mảnh đất rồng bay làm nơi định đô, kinh thành Thăng Long xưa, TP Hà Nội ngày nay đã trở thành đô thị có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới, một đầu tàu kinh tế của đất nước và định hướng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Ðông - Nam Á trong tương lai. Chính vì vậy, những năm gần đây, thành phố tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Mạng lưới đường giao thông ở khu vực trung tâm thành phố cùng với các tuyến đường giao thông liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận được hoàn thành, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Thành phố đã thu hút đầu tư phát triển các dự án khu đô thị, khu nhà ở mới đồng bộ hạ tầng; đồng thời phát triển các loại hình nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, nhằm cải thiện điều kiện ăn ở cho người dân. Diện mạo đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh thành tựu đạt được, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ùn tắc giao thông, vi phạm đất đai, trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp; tiến độ cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư chậm trễ… Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông liên kết vùng, hoàn chỉnh khớp nối hệ thống hạ tầng đô thị. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt, nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng. Phát triển các khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng; đồng thời cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, tái thiết thành các đô thị văn minh, hiện đại, mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho Thủ đô.

Võ Nguyên Phong

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội