Giữ gìn và phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình

Bài 3: Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

20 năm qua, kinh tế Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc. Hà Nội cũng là điểm đến được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài tin tưởng lựa chọn hợp tác kinh doanh lâu dài.

Dây chuyền sản xuất vách kính, cửa sổ, cầu thang kính tại Công ty cổ phần công nghiệp châu Á - CAG (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: THU HÀ
Dây chuyền sản xuất vách kính, cửa sổ, cầu thang kính tại Công ty cổ phần công nghiệp châu Á - CAG (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: THU HÀ

Gia nhập thị trường quốc tế

Cuối tháng 6 vừa qua, tại nước Pháp đã diễn ra một sự kiện khá đặc biệt, đó là buổi trình diễn ẩm thực của một đầu bếp nổi tiếng, ông F.Giu-nô. Ðặc biệt là vì tất cả những món ăn tinh tế mà người đầu bếp này thể hiện đều sử dụng nguyên liệu là các loại nông sản, hoa quả của Việt Nam mà Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) cùng đoàn doanh nghiệp mang tới để giới thiệu với bạn bè Pháp tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis. Ðầu bếp F.Giu-nô tấm tắc khen: "Nông sản Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng có chất lượng rất tốt, vị đậm đà và riêng biệt, khi kết hợp với các nguyên liệu của nước Pháp có thể cho ra những món ăn vô cùng tinh tế, đặc sắc".

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thông qua chương trình lần này, hàng hóa, nông sản của Hà Nội và Việt Nam có cơ hội được các đối tác, người tiêu dùng nước ngoài biết đến, đón nhận. Nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết, khi có hiệu lực sẽ là một cú huých lớn, giúp hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường rộng lớn này.

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, phục vụ phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội đã nỗ lực tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm với đông đảo bạn hàng, đối tác trên thế giới. Từ những thị trường lớn, khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU... cho tới thị trường các nước ở châu Phi, khu vực Ðông Á..., doanh nghiệp Hà Nội đều nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm cơ hội. Nhờ đó, từ mức tăng trưởng thấp (dưới 5%), từ giai đoạn 2016 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đã tăng trưởng mạnh. Năm 2017 đạt 11.779 triệu USD (tăng 10,3% so với năm 2016), năm 2018 đạt 14.233 triệu USD (tăng 21,6% so với năm 2017)... Từ chỗ luôn tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của cả nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, hoạt động xuất khẩu của Thủ đô đã và đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Từ chỗ luôn nhập siêu, năm 2015 ở mức hơn 200%, các năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm dần. Năm 2017 giảm còn 153%, năm 2018 giảm xuống 119%. Bên cạnh đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không còn đóng vai trò chủ lực cho tăng trưởng xuất khẩu của thành phố, nhường lại vai trò này cho thành phần kinh tế trong nước (trong đó hơn 75% là kinh tế tư nhân) với tỷ trọng 54,9%. So với cả nước và TP Hồ Chí Minh, xuất khẩu của Thủ đô ít phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài hơn. Ðây chính là những con số biết nói, ghi nhận những nỗ lực vươn mình ra thị trường quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô thời gian qua.

Ðịa chỉ thu hút đầu tư

Những năm qua, nằm trong dòng chảy hội nhập kinh tế thế giới, Hà Nội đã nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Năm 2001, trên địa bàn có 486 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 8,5 tỷ USD. Năm 2005, Hà Nội vươn lên là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút vốn FDI. Giai đoạn 2016-2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ đô đã đạt kết quả ấn tượng, đạt 14,05 tỷ USD, bằng 66,63% so với tổng FDI giai đoạn 1986-2015. Riêng năm 2018 đạt 7,5 tỷ USD, quý I-2019 đạt 4,47 tỷ USD, cao nhất cả nước. Hằng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% vào GDP của thành phố. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước tới nay với 78.728 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên con số 260.397. Ðây chính là nguồn lực quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu hội nhập quốc tế.

Ðể có được kết quả này, thành phố đã tăng cường quảng bá gắn với xúc tiến đầu tư. Ðến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Ðồng thời, đẩy mạnh quan hệ với các nước bạn, các đối tác quan trọng, ước tính mỗi năm có tới 250 lượt thăm, tiếp xúc và làm việc giữa thành phố với các đoàn khách quốc tế. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các thị trường, đối tác lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Quan trọng hơn, Hà Nội đã quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại và chuyên nghiệp, huy động cao nhất nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính liên tục thăng hạng và giữ vị trí cao trong nhiều năm gần đây. Năm 2018, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí thứ chín trong số 63 tỉnh, thành phố, Chỉ số Cải cách hành chính PARIndex đứng vị trí thứ hai cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch Hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Ðồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, những quy định về cạnh tranh, các hiệp định thương mại để doanh nghiệp vững vàng hơn khi vươn mình ra "biển lớn".

(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5 và 9-7-2019.