Giữ gìn nét đẹp Tết Trung thu truyền thống

Trung thu năm nay chứng kiến sự bứt phá của đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian truyền thống. Ngoài các hoạt động do cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương triển khai, nhiều tổ chức xã hội cũng có các hoạt động Trung thu cho thiếu nhi. Ðiều đó cho thấy ý thức của cộng đồng về việc gìn giữ nét đẹp Tết Trung thu truyền thống được nâng cao.

Hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi dân gian tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi dân gian tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Trong không gian của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Làng nghề Việt (252B đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội), một không gian đậm chất văn hóa truyền thống được tái hiện trong chương trình có tên "Trung thu của cha". Ðó là một cửa hàng chuyên bán đồ chơi Trung thu xưa trong phố cổ; khung cảnh tái hiện một gia đình Hà Nội xưa đón Trung thu, với những đồ chơi, mâm cỗ trông trăng…

Ban tổ chức đã phối hợp nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Hậu tái hiện lại toàn bộ không gian đón Trung thu ở làng quê xưa bằng các quân tò he. Từ ngôi nhà, cho đến màn múa lân, các cô bé, cậu bé vui đùa, mâm cỗ… đều được nặn bằng bột gạo. Cũng tại đây, khách tham gia sự kiện sẽ được thực hành làm các đồ chơi dân gian dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các bạn trẻ. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, khách tham quan có thể đem sản phẩm tham gia cuộc thi "Mỗi gia đình một đồ chơi". Ngoài ra, khách sẽ được tìm hiểu cách bày một mâm cỗ cúng gia tiên ông bà, cha mẹ... và mâm cỗ Trung thu của trẻ em thời xưa, đồng thời được thưởng thức các món ăn cổ truyền; gặp gỡ và nghe câu chuyện của các nghệ nhân như: Nguyễn Quyền - nghệ nhân làm diều sáo và đèn kéo quân, Nguyễn Văn Phiên - nghệ nhân tò he, Nguyễn Thị Tuyến - nghệ nhân làm đèn ông sao…

"Trung thu của cha" đem lại những ký ức đẹp về tuổi thơ của lớp người đi trước, đem đến những trải nghiệm thú vị cho những đứa trẻ, khi chúng được hiểu, được kế thừa những giá trị Trung thu xưa.

Từ những ngày đầu tháng 9, nhiều chương trình vui Tết Trung thu đã được tổ chức. Ðó là các hoạt động ở di tích Hoàng thành Thăng Long, ở phố bích họa Phùng Hưng, các di tích trong phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Chung một mục tiêu, nhưng mỗi nơi lại chọn một "điểm nhấn" cho hoạt động của mình. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long -
Hà Nội chọn chủ đề chính là "Trống hội chơi trăng" cho các hoạt động ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ngoài các hoạt động vui chơi, không gian của di sản được làm "nền" cho các hoạt động trình diễn, giới thiệu, sắp đặt những chiếc trống hội, gợi lên không khí rộn rã, tưng bừng của các lễ hội truyền thống. Tại khu vực phố cổ, chuỗi hoạt động trưng bày, sắp đặt, giao lưu nghệ nhân… diễn ra ở phố bích họa Phùng Hưng, Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân…

Trong đó, có nhiều hoạt động gợi nhớ "chất" của Trung thu Hà thành xưa. Song, điều đặc biệt của mùa Trung thu năm nay là sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội. Trong đó, hoạt động của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Làng nghề Việt là một thí dụ điển hình. Chương trình "Trung thu của cha" được tổ chức quy mô, đậm chất truyền thống, nhấn mạnh vào tính trao truyền di sản nhưng được phần lớn những bạn trẻ trong độ tuổi 8x, 9x thực hiện. Theo Chủ nhiệm câu lạc bộ Ngô Quý Ðức, câu lạc bộ gồm những bạn yêu văn hóa truyền thống. Các thành viên đã phải chuẩn bị cho chương trình rất sớm, từ việc xây dựng kịch bản, đi đến các làng nghề gặp gỡ các nghệ nhân, mời các nghệ nhân tham gia chương trình…

Một chương trình mang tính xã hội khác cũng thu hút nhiều phụ huynh và trẻ em là "Hội sách trăng tròn - Cùng trăng đọc sách" (tại tòa nhà 34 tầng trên phố Hoàng Ðạo Thúy, quận Cầu Giấy) do Nhà sách Ðinh Tị tổ chức. Từ ngày 12 đến 15-9, Ban tổ chức phối hợp giữa các hoạt động vui Tết Trung thu như làm đèn, giao lưu với chú Cuội, rước đèn ông sao…, với trải nghiệm, tìm hiểu khoa học, khuyến khích văn hóa đọc. Dịp này, Nhà sách Ðinh Tị cũng giảm giá nhiều loại sách dành cho các em nhỏ. Các hoạt động gắn kết giữa vui chơi với học hành trong "Hội sách trăng tròn - Cùng trăng đọc sách" khiến các bậc phụ huynh hết sức phấn khởi. Chị Phạm Tuyết Hạnh (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết: "Khuyến khích trẻ em đọc sách là điều cần làm với mỗi gia đình. Kết hợp giữa vui chơi với đọc sách sẽ giúp các bé cảm thấy thú vị hơn. Ðó là lý do mà tôi và nhiều phụ huynh đưa con tham gia chương trình".

Ngoài các chương trình kể trên, còn nhiều chương trình do các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện khác thực hiện đem Tết Trung thu đến trẻ em nói chung, các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ em đang điều trị tại các bệnh viện. Khác với trước đây, mùa Trung thu năm nay chứng kiến sự lên ngôi của những đồ chơi truyền thống, những trò chơi truyền thống. Nếu những năm trước, các sự kiện lớn chủ yếu do các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương tổ chức, thì hiện giờ, các tổ chức xã hội, các câu lạc bộ văn hóa tham gia ngày một nhiều hơn. Ðiều đó cho thấy, ý thức gìn giữ những nét văn hóa Việt Nam truyền thống trong Tết Trung thu ngày càng cao trong cộng đồng.