Giám sát chặt chẽ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm

Việc di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch khỏi địa bàn 12 quận trong nội đô TP Hà Nội là chủ trương lớn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tiến độ di dời rất chậm. Vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây cho thấy sự chậm trễ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội vừa tổ chức phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành”.

Công ty Thuốc lá Thăng Long là đơn vị thuộc diện di dời ra khỏi nội đô. Ảnh: PHẠM THẮNG
Công ty Thuốc lá Thăng Long là đơn vị thuộc diện di dời ra khỏi nội đô. Ảnh: PHẠM THẮNG

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp đó, Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho việc di dời, từ danh mục các đơn vị phải di dời, cho đến các biện pháp xử lý quỹ đất, quy chế tài chính… phục vụ việc di dời. Tuy nhiên, kết quả thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố còn chậm do các doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất, kinh doanh, tiện đi lại; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư công nghệ sạch…

Để thúc đẩy tiến độ di dời, TP Hà Nội đã chia nhóm các cơ sở để có những giải pháp cụ thể, gồm: nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường, nhưng có thể khắc phục bằng công nghệ; Nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng. Đến tháng 5-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội danh mục 113 cơ sở phải di dời. Tuy nhiên, sau đó, thành phố đã thành lập ba tổ công tác rà soát lại các cơ sở trong danh mục. Kết quả rà soát đã loại bỏ 32 cơ sở khỏi danh mục cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch. Trong đó, một số cơ sở đã nằm trong cụm công nghiệp (thí dụ Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, Cụm công nghiệp Biên Giang thuộc quận Hà Đông), cho nên không phải di dời, nhưng phải thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; một số cơ sở nằm ở bãi sông, hay cơ sở đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp quy định, không gây ô nhiễm… Kết quả rà soát cũng bổ sung chín cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở. Trong đó, nhiều nhất là quận Long Biên (17 cơ sở), quận Hai Bà Trưng (16 cơ sở), quận Thanh Xuân (11 cơ sở)… Danh mục này dự kiến trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt trong kỳ họp tháng 12-2019.

Góp ý tại Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành” do Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Bài học từ vụ cháy khu sản xuất của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định xem những cơ sở nào cần di dời cấp bách. Trong danh mục đề xuất có những cơ sở đã có chủ trương di dời 20 năm nay do gây ô nhiễm, nhưng cũng có một số cơ sở phải di dời là do chưa phù hợp quy hoạch. Việc di dời được nâng tầm thành Nghị quyết của HĐND thành phố là hợp lý, để có căn cứ cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện. Đồng thời, có sự giám sát chặt chẽ của HĐND và MTTQ.

Một số đại biểu cho rằng chính quyền thành phố cần quan tâm hơn nữa việc di dời, nhất là sử dụng quỹ đất, để biến quỹ đất nơi dời đi thành các công trình công cộng. Cùng với đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, ban hành danh mục mới là bước đầu. Việc quan trọng tiếp theo là di dời, giám sát việc di dời. Nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt nhận định: “Những năm qua, nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động. Quỹ đất không sử dụng hết, họ cho thuê kinh doanh; thậm chí xây nhà trọ… nhưng các cơ sở vẫn xin ở lại trong nội đô. Muốn di dời các cơ sở đó đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh. Đề nghị sau khi danh mục được phê duyệt, MTTQ và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, giám sát, thực hiện nghị quyết cho thật hiệu quả. Tuy nhiên, Mặt trận không phải là cơ quan chuyên môn, cho nên các cơ quan liên quan phải cùng thực hiện”.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, việc phản biện được MTTQ thành phố tổ chức theo tinh thần đổi mới, chủ động. Trước khi tổ chức phản biện, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức các đoàn để khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cần phối hợp, hỗ trợ để MTTQ tổ chức các nội dung giám sát, phản biện được sớm hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan của thành phố có điều kiện tiếp thu, điều chỉnh hợp lý trước khi trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.