Giải quyết dứt điểm tranh chấp tại các dự án chung cư

Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư một số dự án chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục diễn ra gay gắt. Các tranh chấp về phần diện tích sử dụng chung - riêng, diện tích căn hộ, phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ… tiếp tục xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.

Dự án Ecolife Capitol, ở số 58 đường Tố Hữu được chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô quảng cáo là chung cư cao cấp, có môi trường sống xanh, an toàn, cùng với nhiều tiện ích đồng bộ. Tuy nhiên, từ khi bàn giao căn hộ vào tháng 5-2017 đến nay, nhiều tiện ích tại đây chưa có, khiến cư dân rất thất vọng. Ông Trần Anh Tuấn, Ban Ðại diện cư dân Ecolife Capitol cho biết, nhiều dịch vụ của tòa nhà đến nay vẫn còn thiếu, như quán bar, khu vui chơi trên tầng thượng, bể bơi bốn mùa, phòng tập gym… Mặc dù thiếu nhiều tiện ích như vậy, nhưng chủ đầu tư vẫn áp dụng mức phí dịch vụ 11.000 đồng/m2/tháng, cao hơn nhiều chung cư khác trên địa bàn thành phố. Nhiều cư dân cho biết, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng giá thành và nhiều hạng mục công trình chưa được đầu tư. Vì thế, một số cư dân đã không đóng, hoặc đóng phí dịch vụ thấp hơn mức giá trên và yêu cầu chủ đầu tư tính toán lại. Tuy nhiên, trong khi việc đàm phán về phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ chưa đi đến hồi kết, chủ đầu tư đã cắt nước sinh hoạt của những hộ dân này, khiến nhiều cư dân bức xúc phản đối.

Tại chung cư Imperia Garden, 203 phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, ngay trong những ngày đầu Xuân, hơn mười hộ dân sinh sống tại đây cũng bị cắt nước sinh hoạt, khiến cuộc sống đảo lộn. Ðể phản đối việc làm này của chủ đầu tư, các cư dân đã mang xô, chậu xuống sảnh tòa nhà để giặt giũ, gội đầu. Ngay sau khi xảy ra sự việc này, UBND quận Thanh Xuân đã vào cuộc, yêu cầu ban quản lý khu chung cư giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù nước sinh hoạt đã được cấp trở lại cho cư dân, nhưng đây mới chỉ là phần ngọn của mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư, vốn đã chồng chất, căng thẳng kéo dài. Sâu xa của vấn đề là người dân không đồng ý với cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư, gây thiệt thòi cho người dân. Các cư dân đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư tính toán lại, nhưng chưa được giải quyết, mà vẫn sử dụng diện tích này để tính phí dịch vụ. Ngoài ra, người dân cũng phản ánh chất lượng dịch vụ của chung cư thấp, không tương xứng với giá thành.

Còn tại chung cư Goldmark City, số 136 đường Hồ Tùng Mậu, mặc dù mới có rất ít người dân dọn về sinh sống, nhưng thời gian qua các cư dân đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam, thực hiện đúng cam kết khi bàn giao căn hộ, đó là xây dựng dự án chung cư có đầy đủ hệ thống hạ tầng, như trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện.

Việc các cư dân căng băng-rôn, khẩu hiệu, phong tỏa tầng hầm ra vào tòa nhà, lập các diễn đàn trên mạng in-tơ-nét, gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, tập trung phản đối chủ đầu tư… để đòi quyền lợi, xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Mâu thuẫn chính giữa các cư dân và chủ đầu tư vẫn xoay quanh việc quản lý và sử dụng quỹ bảo trì tòa nhà, chậm trễ thành lập ban quản trị, chất lượng dịch vụ không tương xứng với mức phí, cách tính diện tích căn hộ, việc sử dụng, khai thác diện tích chung, thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, các tiện ích tòa nhà, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm yêu cầu, hệ thống hạ tầng khu đô thị không đồng bộ… Các mâu thuẫn này xuất phát từ lợi ích và mỗi bên đều đưa ra lý do để bảo vệ việc làm của mình, nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề, dẫn đến tranh chấp ngày càng leo thang. Hậu quả không chỉ làm các cư dân căng thẳng, mệt mỏi, chủ đầu tư bị giảm sút uy tín, mà còn gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự, tác động xấu đến thị trường bất động sản.

Từ đầu năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng chung cư và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do các chủ đầu tư cố tình không thực hiện, tìm cách "lách luật" và thiếu các chế tài xử lý, trong khi nhiều vấn đề mới tiếp tục nảy sinh, công tác quản lý, sử dụng chung cư còn nhiều hạn chế. Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư không được giải quyết dứt điểm. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà, việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ tòa nhà, thành lập ban quản trị, công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo trì. Ngoài ra, đoàn sẽ kiểm tra xác định diện tích căn hộ, công tác tổ chức quản lý, vận hành tòa nhà, việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích sở hữu chung… Xử phạt các vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chung cư. Ðây là công việc rất cần thiết, được người dân trông đợi.