Giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông

Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường, thành phố Hà Nội vừa đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô. Đây là việc làm cần thiết để từng bước cải thiện tình hình giao thông tại Thủ đô.

TP Hà Nội vừa đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường. Ảnh: ĐĂNG ANH
TP Hà Nội vừa đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường. Ảnh: ĐĂNG ANH

Hạn chế ùn tắc, ô nhiễm

Người dân Hà Nội hiện sở hữu khoảng 5,5 triệu xe máy, hơn 600 nghìn ô-tô. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, đến năm 2020 thành phố sẽ có hơn 800 nghìn ô-tô; hơn sáu triệu xe máy và đến năm 2030 số ô-tô sẽ lên đến gần hai triệu xe, xe máy khoảng 7,5 triệu. Sự gia tăng phương tiện với tốc độ chóng mặt như vậy sẽ khiến hạ tầng giao thông ngày càng quá tải, việc đề ra các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân là rất cần thiết.

Tháng 7-2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án số 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án xác định rõ, từ năm 2017 đến 2020, UBND thành phố triển khai các giải pháp hành chính và kinh tế để từng bước hạn chế phương tiện trong khu vực nội đô (từ đường vành đai 3 vào trung tâm thành phố).

Trên cơ sở đó, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3977/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thực hiện các giải pháp nêu trên. Trong đó, thành phố tập trung đề xuất ba nội dung chính, gồm: Lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô; quy định mức phụ thu phí ô nhiễm môi trường theo khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện, ô-tô điện. Với đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô, UBND thành phố cho rằng, đây là biện pháp kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện, thông qua việc nộp phí lưu hành để giảm lưu lượng phương tiện tại một số khu vực. Biện pháp này đang được các thành phố lớn trên thế giới áp dụng khá hiệu quả, hạn chế được lượng lớn ô-tô đi vào nội đô, từ đó giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 không có "Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường". Để triển khai nhiệm vụ trên cần đề xuất bổ sung khoản phí này vào danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Do đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung phí này vào danh mục kèm theo của Luật Phí và lệ phí năm 2015 để TP Hà Nội làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Thí điểm trong thời gian sớm nhất

Đề xuất này của TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của người dân và các chuyên gia giao thông. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, việc thu phí vào nội đô là việc nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã thực hiện và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để hài hòa và bảo đảm quyền đi lại của người dân, khi tình trạng ùn tắc tại Hà Nội hiện nay chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm, việc thu phí này cũng chỉ nên diễn ra vào giờ cao điểm. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, khi chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao, mà tăng thêm phí, thuế với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý.

Trước những băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho rằng, việc thu phí phương tiện nhằm hạn chế xe cá nhân vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Người dân có thể sử dụng phương tiện cá nhân để đi vào các điểm này nếu chấp nhận trả thêm phí. Đây là biện pháp kinh tế, nhằm mục đích tác động đến sự lựa chọn của người dân khi di chuyển tới các điểm có mật độ giao thông quá cao.

Trước lo ngại của người dân về việc phí chồng phí, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đây không thể coi là phí chồng phí. Bởi thu phí vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông chỉ áp dụng theo lượt di chuyển với mỗi phương tiện, không áp dụng rộng rãi trên tất cả các tuyến đường mà chỉ áp dụng đối với khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mặt khác, khi nghiên cứu thu phí cũng đồng thời xem xét các khoản chi từ nguồn thu này, không để trùng lắp với các khoản chi khác đã có trong danh mục chi cho hạ tầng giao thông đường bộ. Khoản thu này sẽ không áp dụng đối với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện... để tránh ảnh hưởng đến giá vé của các loại hình nêu trên. Đây là một trong những biện pháp nhằm thu hút người dân đến với giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân.

Đánh giá về tính khả thi của việc thu phí này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội bày tỏ, đây là một việc khó khăn, nhưng không thể không làm. Nếu được thông qua, chúng tôi sẽ tiến hành thí điểm trong thời gian sớm nhất để rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp thu ý kiến của người dân nhằm có những điều chỉnh phù hợp đối với thực tế cũng như đặc thù của Hà Nội.