Giải ngân vốn các công trình giao thông còn chậm

Cho đến nay, tình hình giải ngân các công trình sửa chữa, chống xuống cấp các tuyến giao thông trên địa bàn Hà Nội mới đạt tỷ lệ 23%. Nhiều công trình, dự án sửa chữa, cải tạo giao thông đã thi công xong, nhưng thực hiện các thủ tục quyết toán chậm.

Cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác sửa chữa một đoạn đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ).
Cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác sửa chữa một đoạn đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ).

Theo Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Lê Hữu Hồng, năm 2020, Sở Giao thông vận tải triển khai 54 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 bằng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội. Do ngày 13-1-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2020/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ Bảo trì đường bộ, cho nên đến tháng 7-2020, UBND thành phố ban hành quyết định cho phép điều chỉnh nguồn vốn các dự án từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội sang sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách thành phố. Ngoài ra, sở cũng đảm nhận thực hiện 68 dự án thuộc danh mục dự án cải tạo, sửa chữa giao thông và chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông năm 2020.

Đến nay, 49 công trình chuyển tiếp từ năm 2019 bằng vốn sự nghiệp ngân sách thành phố đã hoàn thành thi công, đang làm thủ tục nghiệm thu, hoàn công, thanh quyết toán; năm công trình đã được phê duyệt dự án, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, đang báo cáo UBND thành phố bố trí vốn để triển khai thực hiện. Đối với 68 dự án thuộc danh mục dự án cải tạo, sửa chữa giao thông và chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông năm 2020, đến nay, đã có 28 dự án được tổ chức thi công hoàn thiện, đã nghiệm thu trong quý III để đưa vào sử dụng. Trong đó, nhiều tuyến phố được cải tạo, sửa chữa giúp cho người điều khiển phương tiện giao thông thuận lợi nhiều hơn so với trước như: Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); xén mở rộng đường gom đại lộ Thăng Long đoạn từ cầu vượt Mễ Trì đến cầu vượt Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); cải tạo, sửa chữa đường phố Trung Liệt (quận Đống Đa); cải tạo, sửa chữa đường phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm); cải tạo, sửa chữa đường phố Lạc Long Quân đoạn từ Thụy Khuê - Trích Sài (quận Tây Hồ)...

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga nhận định, mặc dù Sở Giao thông vận tải và các đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều công trình chưa triển khai thi công và còn nhiều công trình chưa hoàn thành quyết toán. Tổng hợp từ Sở Tài chính, tỷ lệ giải ngân các công trình giao thông cải tạo, sửa chữa giao thông năm 2020 còn chậm, mới đạt 23%.

Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Giao thông vận tải Nguyễn Đình Triển cho biết, nguyên  nhân giải ngân chậm do Quỹ Bảo trì đường bộ dừng hoạt động, cho nên công tác giải ngân vốn các dự án sử dụng nguồn quỹ nêu trên, cũng như việc thanh, quyết toán các công trình không bảo đảm tiến độ đề ra. Hiện tại, 49 công trình đã triển khai thi công hoàn thành, nhưng hiện vẫn đang làm thủ tục nghiệm thu, hoàn công, thanh quyết toán. Ngoài ra, Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14-8-2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP) được ban hành với định mức, giá ca máy mới, cho nên việc áp dụng các quy định mới còn khó khăn, dẫn đến thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các công trình cải tạo, sửa chữa giao thông.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết cho biết, trước tình hình giải ngân thấp, ngày 24-6-2020, Sở Tài chính đã có Văn bản số 4103/STC-TCHCSN đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tuy nhiên đến tháng 10-2020, tình hình giải ngân vẫn còn chậm. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải cần đốc thúc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để quyết toán đúng kế hoạch năm 2020. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ngô Mạnh Tuấn thừa nhận, có nhiều công trình, dự án sửa chữa, cải tạo giao thông đã thi công xong, nhưng thực hiện các thủ tục quyết toán chậm. Ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn do Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông trực thuộc sở yêu cầu nhà thầu thực hiện thời gian bảo hành, sau đó quyết toán vào cuối năm. Qua rà soát của sở, nhu cầu sửa chữa, cải tạo đường giao thông là lớn, nhưng ngân sách thành phố mới đáp ứng được 50%. Vì thế, thời gian tới, sở sẽ đôn đốc các đơn vị hoàn thành hồ sơ quyết toán, để giải ngân theo kế hoạch, đồng thời tiếp tục đề xuất UBND thành phố quan tâm bố trí ngân sách để duy tu, sửa chữa, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, chỉnh trang diện mạo đô thị.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, sau đợt khảo sát, ban sẽ kiến nghị với UBND thành phố sớm xem xét, ban hành quy định về trình tự thực hiện xử lý sự cố hư hỏng công trình giao thông khẩn cấp, có tính cấp bách trên địa bàn thành phố; rà soát, nghiên cứu ban hành chế tài xử lý đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc các khu đô thị do doanh nghiệp phát triển đầu tư trong thời gian dài vẫn chưa hoàn thiện, chưa bàn giao quản lý cho cơ quan nhà nước. Ngoài ra, UBND thành phố cũng kiến nghị với Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp cần thu hồi mặt bằng khẩn cấp để thực hiện xử lý cấp bách các công trình, dự án.