Hà Nội một góc nhìn

Giấc mơ trưa

Hình như năm nay ve sầu say sưa "ngủ đông" cho nên hè đã về vài tuần mà tiếng ve còn thưa thớt. Phượng vĩ thắm đỏ trên các sân trường, tuyến phố vẫn chờ đợi dàn đồng ca ve sầu hòa tấu râm ran.

Còn nhớ, không ít năm, dù nắng hè mới lấp ló bên khung cửa, đã nghe tiếng ve rộn ràng, da diết khắp nơi. Bởi mùa hè lừng chừng, lưỡng lự, mà mưa nắng thất thường, khiến nhiều người than thở đầu óc nặng trịch, tinh thần mông lung dễ gây cảm giác buồn ngủ giữa ban ngày. Bây giờ, chu kỳ sinh học của con người được điều chỉnh linh hoạt, chứ không nền nếp như xưa. Có khi vào thời điểm cần kíp, người ta có thể nhoài mình thức suốt đêm để miệt mài làm việc, rồi ngủ bù vào ngày hôm sau. Các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra muộn hơn, ban đêm những người muốn ngủ sớm, nhưng tiếng xe cộ chạy rầm rầm, khó mà ngon giấc. Chưa kể, nhiều công việc đặc thù như những người trực tổng đài, canh gác chắn tàu, lực lượng công an, nhân viên y tế… vẫn phải thay nhau trực suốt 24 giờ để bảo đảm công việc thông suốt.

Giấc ngủ trưa đối với nhiều người trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Ca làm việc buổi sáng kết thúc, ăn trưa xong, người ta tìm chỗ ngả lưng. Các nhân viên văn phòng, công chức, viên chức thường sắp xếp giấc ngủ trưa ngay tại trụ sở với máy điều hòa mát rượi, chẳng lo không khí ngoài trời nóng nực, ngột ngạt tới đâu. Người nông dân ở ngoại thành lọ mọ thức dậy từ lúc hai, ba giờ sáng để cắt tỉa rau màu; giết mổ gia súc, gia cầm đem vào các chợ nội thành bán buôn, bán lẻ, cũng tranh thủ ngủ trưa ở nơi bán hàng. Khi thì dựa lưng trên ghế xếp, trải chiếu xuống góc khuất tại quầy hàng hoặc gục đầu vào cánh tay đặt trên hai đầu gối bên cạnh đôi quang gánh, ngủ gà gật. Khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy; bên dưới đường vành đai trên cao phía Pháp Vân, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến không khó bắt gặp hình ảnh những người lái xe ôm ngả lưng trên yên xe máy, thiu thiu. Tại một số vườn hoa ở phố Quán Sứ, Phan Huy Chú, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải…, ban trưa lác đác bóng dáng người bán hàng rong, thu mua phế liệu, đánh giày, bán vé số lặng lẽ nằm ngủ trên ghế đá. Người ta tranh thủ chợp mắt để buổi chiều tiếp tục miệt mài, rong ruổi với công việc nhọc nhằn.

Mấy năm trước, dọc phố Tràng Thi, người nhà đi chăm nuôi bệnh nhân thường vạ vật nghỉ trưa dưới tán cây, bờ tường nom rất nhếch nhác. Bây giờ, các bệnh viện K, Việt Ðức, Phụ sản trung ương ở quanh khu vực này đều quan tâm cải tạo, mở rộng diện tích khuôn viên để đón tiếp bệnh nhân và người nhà, cho nên tình trạng mọi người đứng, ngồi vạ vật ngoài đường phố đỡ hẳn. Hà Nội từng ngày "thay da, đổi thịt", bộ mặt phố phường hiện đại, khang trang, đẹp đẽ hơn xưa, vì thế thói quen ứng xử của mọi tầng lớp nhân dân cũng cần được nâng lên. Mơ về một giấc ngủ trưa nhỏ nhoi, êm đềm, văn minh, lịch sự là mong mỏi đối với nhiều người. Sao cho việc ngủ trưa được duy trì đều đặn, nền nếp, nhưng đúng nơi, đúng chỗ, chứ không thể tùy tiện ở những nơi công cộng, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị…