Ðể thời gian nghỉ học trở nên có ích

Ðể bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ba tuần nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho hơn hai triệu học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ học.

Học sinh Trường THCS Wellspring học trực tuyến với các thầy, cô giáo qua nền tảng Google Classroom.
Học sinh Trường THCS Wellspring học trực tuyến với các thầy, cô giáo qua nền tảng Google Classroom.

Nhiều gia đình tranh thủ khoảng thời gian này cho con học thêm những kỹ năng, đồng thời gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Vừa nghe thông tin các con được nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, chị Nguyễn Thị Thành, 37 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lên mạng đăng ký ngay một khóa học tiếng Anh trực tuyến vào ban ngày cho con. Gia đình chị vốn lắp ca-mê-ra ở phòng khách, cho nên bàn học tạm thời chuyển từ phòng ngủ của con ra phòng khách. Hằng ngày khi đến chỗ làm, chị Thành vẫn theo dõi việc học tập của con qua màn hình điện thoại. "Ở nhà chuyện cơm nước đã có bác giúp việc. Bé mới bảy tuổi, cho nên chưa biết tự giác học, nhưng mẹ nói thì biết nghe lời", chị Thành chia sẻ. Chị còn mua thêm đồ chơi xếp hình, sách tập tô, bút mầu, giấy vẽ để buổi tối con được thỏa đam mê hội họa. "Có nhiều cách để dạy con học trong tình cảnh này. Cho nên tôi giúp con có một kỳ nghỉ bổ ích, thay vì lo lắng, hoang mang", chị Thành nói.

Cũng như chị Thành, chị Trần Hồng Thu, 32 tuổi, ở xã Song Phương, huyện Hoài Ðức (Hà Nội) khá vui vẻ trong ba tuần con trai bảy tuổi và con gái tám tuổi nghỉ học, ở nhà. Chị tăng thêm một triệu đồng tiền lương tháng này cho người giúp việc để chăm sóc, nấu ăn cho các con khi mình vắng nhà. Về cơ bản, các bé ngoan, tự lập và biết thương yêu nhau, cho nên hai tuần nay, chị Thu không phải nghe lời than vãn nào từ người giúp việc. Buổi tối, chị bật máy tính, cùng con học bài, từ các bài giảng trực tuyến giáo viên gửi đến. Chị Thu tâm sự: "Tôi cũng mua thêm sách, truyện, sách khoa học, các câu đố... có họa tiết đẹp, chữ to để các con đọc vào ban ngày. Tôi nghĩ phải tận dụng những ngày nghỉ để giúp con rèn luyện khả năng ngôn ngữ và phát triển tri thức". Theo chị Thu, các con không đến trường sẽ khiến chị bận bịu và vất vả hơn, nhưng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc cho con nghỉ học vẫn là giải pháp an toàn hơn cả.

Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình có con nhỏ phải nghỉ học, nhất là các cháu trong tuổi mẫu giáo, cuộc sống bị đảo lộn.

Tối muộn ngày đầu tháng 2, chị Nguyễn Thị Hồng Hà, 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở phố Láng Hạ, quận Ðống Ða nhận được tin nhắn của giáo viên thông báo con gái đang học lớp 1 được nghỉ học để đề phòng dịch Covid-19. Ðang rối bời vì chưa biết thu xếp công việc thế nào thì 10 phút sau, chị Hà nhận thêm thông tin lớp mẫu giáo của con trai ba tuổi cũng tạm nghỉ. "Vợ chồng tôi không biết xử lý thế nào. Sau một hồi bàn bạc, tôi gọi điện thoại nhờ mẹ chồng từ Hà Tĩnh bắt xe khách ra Hà Nội trông cháu giúp", chị kể.

Ngày hôm sau, trong lúc đợi bà nội của các con ra, chị Hà xin nghỉ buổi sáng, còn chồng xin nghỉ buổi chiều để trông con. Phòng trọ rộng 20 m2 để bốn người sinh hoạt vốn đã chật chội, nay thêm mẹ chồng lại càng hẹp hơn. Ðợi con ngủ, anh chị hì hụi dọn dẹp lại gác xép, để hôm sau mẹ ra có chỗ nghỉ ngơi. Ngày đầu,con trai nhỏ chưa quen cho nên khóc lăn lóc. Ngày thứ hai, thứ ba, mọi chuyện yên ổn hơn, nhưng ngoài áp lực công việc ở công ty, tối nào chị cũng phải nghe mẹ chồng "kể tội" hai đứa cháu nghịch phá.

Gia đình anh Trần Văn Mạnh, 38 tuổi, ở phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, không nhờ được ai trông con trong hai tuần qua, cho nên anh Mạnh và vợ phải đưa cháu đi làm cùng. "Thằng bé 5 tuổi, rất hiếu động. Ðến công ty, cháu chạy khắp nơi, hò hét, ảnh hưởng đến không khí làm việc ở công sở, khiến tôi phát ngại. Hai ngày sau, cháu lại được mẹ đưa tới chỗ làm và mẹ cháu phải chịu tình cảnh tương tự", anh Mạnh than vãn. Không thể đưa con đến chỗ làm cả tuần, anh Mạnh định xin nghỉ việc tạm thời để ở nhà trông con. Ðúng lúc này, một giáo viên mầm non sống cùng tòa nhà gia đình anh Mạnh ở thông báo trên mạng xã hội sẽ nhận chăm bốn trẻ tại nhà vì hiện tại cô cũng đang được tạm nghỉ. Như "chết đuối vớ được cọc", vợ chồng anh đăng ký ngay dù phải đóng khoản phí cao hơn ở trường mầm non; đổi lại, các con có chỗ an toàn để học và chơi, còn vợ chồng anh thì yên tâm làm việc.