Đưa y học cổ truyền vào đời sống

Mặc dù nền y học ngày càng phát triển, ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học - công nghệ, nhưng vai trò của y học cổ truyền vẫn hết sức quan trọng, nhất là trong phối hợp đông y với tây y để điều trị cho người bệnh. Với 6.200 hội viên, Hội Đông y TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị y học cổ truyền.

Thời gian gần đây, hoạt động của Trạm Y tế xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) trở nên sôi động hơn. Người dân nhiều lứa tuổi đến khám sức khỏe và chữa bệnh. Đổi thay này bắt đầu từ khi Hội Đông y thành phố phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức đưa thầy thuốc y học cổ truyền vào làm việc tại trạm y tế. Tại đây đã thành lập tổ khám, chữa bệnh y học cổ truyền gồm ba cán bộ của Hội Đông y thành phố Hà Nội, hai cán bộ Hội Đông y huyện và một số cán bộ của huyện Thường Tín, xã Tô Hiệu. Các lương y bắt mạch, tư vấn, bốc thuốc, châm cứu, bấm huyệt… chữa trị nhiều loại bệnh: Đau vai gáy, thoái hóa cột sống, tim mạch, các bệnh về đường hô hấp… Bệnh nhân Phạm Thị Mai (xã Tiền Phong) cho biết: “Việc tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã giúp chúng tôi không phải vất vả đi lên tuyến trên chữa bệnh. Chúng tôi rất phấn khởi với cách làm này”.

Việc đưa vào hoạt động phòng y học cổ truyền tại Trạm y tế xã Tô Hiệu là sản phẩm của Đề án đưa thầy thuốc, lương y vào khám bệnh tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn do Hội Đông y thành phố phối hợp Sở Y tế Hà Nội triển khai, nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở. Bốn quận, huyện được chọn triển khai thí điểm gồm: Thường Tín, Ba Đình, Chương Mỹ, Thanh Xuân. Giai đoạn đầu, mỗi địa phương thí điểm khoảng hai mô hình. Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội, Lương y Nguyễn Hồng Siêm cho biết: “Mỗi quận, huyện sẽ thí điểm tại hai xã. Đến cuối năm nay sẽ đánh giá kết quả hoạt động để mở rộng trong những năm tiếp theo. Phấn đấu sau 10 năm nữa, tất cả các xã, phường có phòng y học cổ truyền”.

Với 6.184 hội viên tại 30 quận, huyện, thị xã, những năm gần đây, Hội Đông y ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực, gắn với đời sống hơn như khám, chữa bệnh; nghiên cứu, ứng dụng, bào chế nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam; đào tạo các lương y; vận động người dân xây dựng những vườn dược liệu… Từ năm 2016, Hội Đông y và Sở Y tế đã ký Kế hoạch số 1890-KH/SYT-HĐY về việc phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y trong công tác “Kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”. Các hội viên của Hội Đông y đã cùng trạm y tế xã, phường xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam tại nhà cho người dân; tham gia cùng ngành y tế phòng, chống dịch bệnh... Hằng năm, các hội viên Hội Đông y đã khám, chữa bệnh cho hàng triệu lượt người. Tỷ lệ khỏi bệnh và đỡ đạt hơn 80%, trong đó có nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. Khoảng 30-40% bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: Xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống, diện chẩn... Đưa thầy thuốc của Hội Đông y vào các trạm y tế từ tháng 7-2019 đến nay là bước tiếp theo của việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi hơn trong điều trị bệnh.

Trên thị trường có nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc và dược liệu kém chất lượng. Ban lãnh đạo Hội Đông y đã vận động hội viên và cộng đồng phát triển công tác nuôi trồng, chế biến, sử dụng các loại dược liệu, phát triển nghề trồng dược liệu cùng với mô hình “vườn dược liệu” ở trạm y tế hay trong gia đình. Huyện Chương Mỹ là địa bàn trọng điểm trong phát triển vườn dược liệu. Toàn huyện đã có 40 vườn thuốc nam, 33 vườn thuốc mẫu tại các trạm y tế xã, thị trấn. Trong đó, xã Tân Tiến có vườn thuốc nam rộng tới 30 ha; các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Đông Sơn, Trần Phú… đều có những vườn thuốc khoảng 10 ha. Hiện nay, huyện Sóc Sơn có tổng diện tích trồng dược liệu gần 50 ha. Phối hợp Hội Đông y, Công ty cổ phần Ao Vua (huyện Ba Vì) đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng vườn dược liệu 20 ha với hơn 360 loài, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây được đánh giá là một trong những vườn dược liệu lớn nhất khu vực phía bắc. Hội Đông y thành phố còn phối hợp Hội Châm cứu Việt Nam, Trường Y dược Tuệ Tĩnh liên tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã kết hợp Trường Y dược Tuệ Tĩnh đào tạo gần 2.000 y sĩ y học cổ truyền. Hội cũng tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo thông qua các đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, kết hợp giữa đông y và tây y sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, động viên những người làm nghề y dược cổ truyền dân tộc cống hiến tài năng, kinh nghiệm vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn các trạm y tế và người dân chủ động tổ chức trồng và nhân giống nhiều loại dược liệu để phát triển vườn thuốc nam, bảo tồn những cây thuốc quý.