Du lịch Hà Nội chủ động ứng phó với vi-rút 2019-nCoV

Du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (2019-nCoV) gây ra. Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch.
Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch.

Ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực bảo đảm an toàn cho khách du lịch, đồng thời tranh thủ thời gian này để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ… để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngành du lịch Thủ đô đã chịu những tác động đầu tiên của dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút 2019-nCoV. Tháng 1-2020, thành phố đón 2,34 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế giảm tới gần 9%, chỉ đạt 482 nghìn lượt. Bước sang đầu tháng 2, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ giảm tiếp tục mạnh hơn. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tại các cơ sở lưu trú, nhiều khách đã hủy đặt phòng trong tháng 2 và tháng 3. Có gần 11.650 khách trong nước đi du lịch nước ngoài hủy chuyến.

Các đơn vị vận chuyển cũng giảm khoảng từ 30% đến 50% công suất hoạt động. Do dịch chưa đạt đỉnh, cho nên tình hình hủy phòng, hủy chuyến có thể tiếp tục tăng. Trên thực tế, các địa điểm du lịch quan trọng của Thủ đô như: Phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương… đều vắng khách tham quan.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú. Ðây là những đơn vị đầu tiên chịu ảnh hưởng. Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện khách sạn Sofitel Metropole cho biết: "Cho đến nay, số lượng khách hủy đặt phòng từ 20% đến 30%, hầu như không có khách đặt phòng mới. Mặc dù khách sạn đã tiến hành khử trùng, phát khẩu trang miễn phí, tuyên truyền cho nhân viên khách sạn, nhưng nhiều vị khách có phản hồi với chúng tôi rằng ngoài vấn đề lưu trú, họ lo ngại khi đi lại bằng phương tiện công cộng ra các khu vực chung quanh có an toàn hay không". Khó khăn không chỉ đến với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, mà các doanh nghiệp vận tải, cơ sở ăn uống, bán quà lưu niệm… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với 300 xe ô-tô, Công ty Vận chuyển đường bộ Minh Việt là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận chuyển hành khách du lịch, nhưng hiện giờ, khách hàng từ các nước Ðông - Bắc Á giảm tới 40%.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi-rút 2019-nCoV, ngày 31-1, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-DL, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh; chủ động hủy tua đến vùng có dịch, giám sát sức khỏe, hành trình của khách để báo cáo…

Sở khuyến cáo các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động phòng, chống dịch cho khách, cũng như cán bộ, nhân viên bằng các hình thức: phun thuốc khử trùng, phát khẩu trang miễn phí, đặt dung dịch sát khuẩn tại các địa điểm du lịch để khách có thể sử dụng...

Thực hiện kế hoạch của Sở Du lịch, nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: Khử trùng phòng khách sạn sau khi khách dọn đi, khử trùng các phương tiện đi lại… Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển đường bộ Minh Việt cho biết: "Chúng tôi tiến hành vệ sinh xe ô-tô theo đúng quy định, phun dung dịch khử trùng trên xe; yêu cầu lái xe, nhân viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc và phát khẩu trang cho toàn bộ hành khách". Các doanh nghiệp lữ hành cũng thông tin đầy đủ đến khách du lịch về các biện pháp phòng, chống sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp. Ngoài việc các thành viên chủ động phòng, chống dịch bệnh, CLB Lữ hành UNESCO còn chuẩn bị 100 nghìn khẩu trang để phát miễn phí tại những điểm công cộng nhiều khách du lịch…

Nhìn chung, đến thời điểm này, ngành du lịch Thủ đô thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour đề xuất, các doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn hơn về chống dịch bệnh. Cùng với việc ứng phó tốt trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần tính đến giai đoạn phục hồi, nhất là khi các khách hàng hoãn tua sẽ đi du lịch trở lại để chuẩn bị tốt hạ tầng, nhân lực để đón lượng khách có thể tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

Để khắc phục khó khăn, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Trần Ðức Hải đề nghị những người tham gia hoạt động du lịch hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Ðến nay, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ nhau trong việc không tính phí bồi thường khi hủy chuyến, hủy tua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Ông Trần Ðức Hải nhấn mạnh: "Bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách không chỉ có tác dụng trước mắt, mà còn có tác dụng tới uy tín của du lịch Thủ đô, bởi vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian khách giảm, các doanh nghiệp nên dành thời gian đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ… để nâng cao chất lượng du lịch Thủ đô".