Đổi mới phương thức hoạt động tổ chức đảng tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Khẳng định và phát huy vai trò tổ chức đảng

Làm thế nào để nâng cao sức chiến đấu, khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, khi quyền quyết định chủ yếu giờ thuộc về hội đồng quản trị? Đó là vấn đề đặt ra vừa mang tính thời sự vừa mang tính chiến lược. Bên cạnh yêu cầu đổi mới về phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, rất cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn.

Mô hình điều hành tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến ở Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Mô hình điều hành tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến ở Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Không cứng nhắc, áp đặt

Trong điều kiện một số tổ chức đảng lúng túng khi doanh nghiệp (DN) chuyển đổi mô hình, không ít lãnh đạo cấp ủy cho rằng, nếu cấp ủy làm “tròn vai”, chủ động, linh hoạt hơn, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ không bị giảm sút, mà còn phát huy hiệu quả, giúp DN phát triển hơn rất nhiều.

Là mô hình tổ chức đảng trong DN chuyển đổi thành công sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trực thuộc Đảng bộ quận Đống Đa có cách làm hay rất đáng chú ý. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn cho biết, Đảng bộ Tổng công ty đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng xóa bỏ các hình thức hành chính hóa. Không chỉ thu hút người tâm huyết, có trách nhiệm tham gia cấp ủy, Đảng bộ đã đề ra các quy chế, quy định để gắn quyền lợi với trách nhiệm cho người làm công tác đảng. Theo ông Phạm Hữu Sơn, để tổ chức đảng trong DN hoạt động tốt, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Giám đốc.

Theo Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Tổng công ty Vận tải Hà Nội Vũ Hữu Tuyến, để chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, nhất là những nơi không còn vốn nhà nước, phải có sự uyển chuyển, không thể đơn thuần dùng mệnh lệnh hành chính. “Phải để cho các đơn vị thấy khi tham gia Đảng bộ Tổng công ty sẽ được lợi gì, từ uy tín, nguồn vốn đến thị trường. Đối với nhân sự, cũng không nên cứng nhắc áp đặt, mà để họ thấy rằng những người được cấp ủy giới thiệu là những người thật sự xứng đáng”, ông Tuyến phân tích. Bên cạnh đó, phải xây dựng được quy chế phối hợp cụ thể giữa cấp ủy, HĐQT và Ban Giám đốc thì khi triển khai các chương trình, kế hoạch mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng đề nghị Thành ủy Hà Nội tăng cường chỉ đạo hơn nữa đối với các DN ngoài khu vực nhà nước, nhất là trong công tác cán bộ, để người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho rằng: Muốn phát huy được vai trò, phải thuyết phục được đảng viên, người lao động đồng tình với đường hướng của HĐQT; đồng thời những chủ trương, chính sách nào ảnh hưởng quyền lợi người lao động thì cấp ủy phải cùng với các tổ chức đoàn thể có ý kiến với HĐQT để tìm tiếng nói chung và có sự điều chỉnh phù hợp. “Nếu mới thấy khó mà cấp ủy đã ngãng ra là không được. Tuy nhiên, phương thức hoạt động và nội dung sinh hoạt đảng trong DN cổ phần cũng phải linh hoạt hơn, phù hợp với đặc thù riêng”, ông Vượng đề nghị.

Đổi mới từ nội dung đến phương thức

Thấy rõ những khó khăn, hạn chế ấy, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng tại các DN sau cổ phần hóa. Nhiều cuộc khảo sát, tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức mà “diễn giả” chính là lãnh đạo đảng ủy của các tổng công ty đang thực hiện thoái vốn nhà nước. Tại đây, những vướng mắc từ thực tiễn được đưa ra “mổ xẻ”, đánh giá để tìm hướng tháo gỡ. Trên cơ sở đó, ngày 21-5-2018, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định tạm thời về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong DN ngoài khu vực nhà nước thuộc Đảng bộ TP Hà Nội. Đây là cách làm chủ động của Thành ủy Hà Nội trong bối cảnh cả nước chưa có một mô hình mẫu tổ chức đảng trong DN nhà nước sau cổ phần hóa và quy chế phối hợp mẫu giữa đảng ủy với HĐQT, ban giám đốc các doanh nghiệp khu vực này.

Quy định tạm thời hướng dẫn cụ thể từ nội dung, tổ chức, quan hệ công tác đến phương thức hoạt động của các đảng ủy cấp trên cơ sở, để các đơn vị căn cứ tình hình thực tế áp dụng. Đối với công tác cán bộ, Quy định nêu rõ: Đảng ủy chủ động tham gia ý kiến với HĐQT, tổng giám đốc về chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ trong DN. Đề xuất và kiến nghị cấp trên về người đại diện phần vốn nhà nước (nếu có); chủ động đề xuất với HĐQT và tổng giám đốc những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch, tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của DN. Thành ủy cũng yêu cầu đảng ủy xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp HĐQT, tổng giám đốc DN; thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chi bộ…

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng sắp xếp lại một số tổ chức đảng cho phù hợp tình hình thực tế, điều chuyển một số đảng ủy trực thuộc Thành ủy về các đảng ủy khối và các quận ủy, huyện ủy, thị ủy để tăng cường quản lý. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện quy định tạm thời một cách chặt chẽ; đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình, xem xét từng đơn vị cụ thể, nếu hoạt động không tốt thì hạ cấp, thậm chí giải thể, bởi điều quan trọng nhất vẫn phải là hiệu quả, thực chất.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, tái cơ cấu, cổ phần hóa DN là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nhưng không vì thế mà giảm vai trò cấp ủy trong DN. Thời gian tới, nhiệm vụ sẽ càng khó khăn, khi tiến trình cổ phần hóa diễn ra nhanh hơn. Điều đó đòi hỏi mỗi cấp ủy phải tự đổi mới, tìm lối đi cho phù hợp, “chứ không chỉ theo hơi hướng là DN nhà nước như trước”. Đồng chí cho rằng, trong mọi hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên cần phải thể hiện cho ban giám đốc thấy rằng, đây là tổ chức, có trách nhiệm, ảnh hưởng năng suất, tiến độ sản xuất, kinh doanh của công ty. Thông qua hoạt động, chi bộ phải thật sự là cầu nối giữa công nhân, người lao động và ban giám đốc công ty, có đóng góp rõ ràng cho sự phát triển của công ty, cho đời sống của công nhân, người lao động. Có như vậy, cấp ủy mới có tiếng nói, khẳng định được vai trò lãnh đạo quan trọng trong sự phát triển của DN.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-7-2019.