Đổi mới hoạt động xúc tiến

Thời gian gần đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã có nhiều giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến. Những thay đổi mạnh mẽ này đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp… của Thủ đô.

Khách hàng tham quan các gian hàng tại Chương trình Quảng bá nông sản Việt Nam 2019 tổ chức tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis, phía nam thủ đô Pa-ri (Pháp) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương
Khách hàng tham quan các gian hàng tại Chương trình Quảng bá nông sản Việt Nam 2019 tổ chức tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis, phía nam thủ đô Pa-ri (Pháp) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương

Đổi mới công tác xúc tiến

Nếu như trước đây, công tác xúc tiến thường được triển khai theo từng lĩnh vực đơn lẻ như đầu tư hoặc thương mại, du lịch, nông nghiệp... thì nay, trong mỗi hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội đều có sự lồng ghép, gắn kết các lĩnh vực. Đơn cử, các chuyến công tác tại hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản), chợ đầu mối Rungis (Pháp)... không chỉ giới thiệu các mặt hàng nông sản đặc sắc của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, mà còn giới thiệu nét văn hóa ẩm thực, các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng có chất lượng của các doanh nghiệp trong nước, trực tiếp đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối lớn. Đồng thời, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia vào các dự án quan trọng của thành phố. Tỷ lệ các sự kiện được kết hợp đồng bộ đạt hơn 30% giá trị kinh phí bố trí cho công tác xúc tiến hằng năm, giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể, đồng thời, tăng hiệu quả cho mỗi hoạt động xúc tiến.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết, từ khi trở thành đầu mối trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến của thành phố, Trung tâm đã chủ động xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng lĩnh vực, tìm các giải pháp đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến, qua đó góp phần vào kết quả phát triển chung của thành phố. Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội tăng dần, từ 3,11 tỷ USD năm 2016 tăng lên 7,5 tỷ USD năm 2018. Riêng sáu tháng đầu năm 2019 đã đạt 5,3 tỷ USD. Các hoạt động xúc tiến góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội, năm 2016 đạt 10,6 tỷ USD, năm 2017 đạt 11,78 tỷ USD và năm 2018 đạt 14,2 tỷ USD. Lượng khách du lịch đến với Thủ đô cũng tăng mạnh qua từng năm, từ 21,8 triệu lượt khách năm 2016 lên 26,3 triệu lượt khách năm 2018.

Điều dễ nhận thấy là, các hoạt động xúc tiến trong từng lĩnh vực cụ thể của trung tâm ngày càng chuyên nghiệp, tư duy và phương pháp kết nối các doanh nghiệp đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trong đó, trung tâm đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị trước và trong từng sự kiện, tìm hiểu kỹ các đối tác tham gia và chuẩn bị kỹ cho các doanh nghiệp trước khi diễn ra sự kiện.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình

Tuy đã có nhiều sự đổi mới, đem đến hiệu quả tốt hơn, nhưng công tác xúc tiến của TP Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác xúc tiến còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng làm việc với các đối tác nước ngoài, công tác tiếp thị, tổ chức sự kiện tại nước ngoài. Công tác xây dựng dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến còn chưa đầy đủ do còn tâm lý cục bộ trong chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, đơn vị với nhau. Với nhiều dự án, sau khi thu hút đầu tư, việc rà soát, nắm bắt quá trình triển khai còn chưa sát sao tình hình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc mới đây với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cần tiếp tục so sánh, đánh giá mô hình hoạt động của Trung tâm, học hỏi những mô hình tương tự trên thế giới để khắc phục những nhược điểm, tăng tính hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, đáp ứng yêu cầu của thành phố. Trung tâm và các sở, ngành liên quan cũng cần rà soát lại quy chế phối hợp, chú trọng công tác xây dựng dữ liệu, trao đổi thông tin để tăng tính kết nối, đồng bộ. Trung tâm cần theo sát đến cùng từng nhà đầu tư, từng dự án sau khi được ký kết, để có thể phát huy vai trò tư vấn, hỗ trợ. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng lực, trình độ của đội ngũ người làm công tác xúc tiến. Cán bộ của Trung tâm phải có khả năng tổng hợp, thường xuyên phân tích, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của thành phố ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Từ đó định hướng xúc tiến trong các giai đoạn tiếp theo cho phù hợp nhu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mỗi cán bộ, công chức của đơn vị phải ứng xử có trách nhiệm và văn hóa để tạo ấn tượng tốt đẹp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thế giới khi gặp gỡ, hợp tác với Hà Nội.