Định hướng phát triển Thủ đô trong tương lai

Bài 3:  Xây dựng thành phố đổi mới, sáng tạo

Không chỉ đưa ra những con số đẹp để “tô hồng”, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 còn thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm cùng những nguyên nhân chủ quan để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể, làm cơ sở quan trọng góp phần định hướng phát triển Thủ đô trong tương lai.

Thành phố Hà Nội cần đầu tư mạnh hơn các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, đường kết nối để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh: MINH HÀ
Thành phố Hà Nội cần đầu tư mạnh hơn các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, đường kết nối để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh: MINH HÀ

Nhìn thẳng vào hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nêu rõ những hạn chế mà thành phố cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế chưa cao. Công nghiệp phát triển thiếu ổn định; hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp. Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng. Nhiều hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế trong và giữa các ngành, các thành phần kinh tế, cũng như giữa Thủ đô với các địa phương trong nước chưa hiệu quả. Một số chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải... chưa đạt kế hoạch. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. 

Trong công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, phức tạp, trở thành điểm nóng; cấp ủy cấp trên trực tiếp chưa kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Thành ủy Hà Nội cho rằng, những hạn chế, yếu kém có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là năng lực lãnh đạo, quản lý ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thật sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo, có việc còn trì trệ. Một số cán bộ, đảng viên còn thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của một số đơn vị chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh trong việc răn đe, ngăn chặn, xử lý các sai phạm. 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cho rằng, báo cáo cần đề cao tinh thần tự phê bình, phê bình, nhất là đối với những việc còn chậm, hiệu quả thấp. Đồng chí cũng đánh giá, trong những năm qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội của thành phố có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn một số vấn đề đặt ra như bạo lực gia đình gia tăng, mối quan hệ trong cộng đồng chưa bền chặt... đòi hỏi thành phố phải quan tâm khắc phục. 

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý, cần đánh giá, phân tích rõ hơn những nguyên nhân trong công tác quản lý môi trường và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng để đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như phân tích các thuận lợi, khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo; duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015 - 2020. Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 200 triệu đến 205 triệu đồng. 

Để cụ thể hóa các mục tiêu này, thành phố xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Nâng cao giá trị sáng tạo và hàm lượng văn hóa trong hoạt động kinh tế; khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ. Hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ưu tiên thu hút mạnh các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. 

Trong công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện kiên trì, có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, thích ứng với mô hình tổ chức mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đoàn kết, dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. 

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ cùng các giải pháp đề ra trong dự thảo, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, công việc của thành phố rất nhiều, do đó ngoài việc lãnh đạo toàn diện, cần lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm; cùng với đó phải thực hành dân chủ rộng rãi để phát huy sức mạnh, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức. Hà Nội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan T.Ư, tiếp tục kiến nghị để T.Ư phân cấp mạnh hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. 

Nhấn mạnh những thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngoài kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự đoàn kết, đồng thuận, tin tưởng của người dân. Chính vì thế, đồng chí Phạm Thế Duyệt mong muốn Đảng bộ thành phố tiếp tục quan tâm, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp phải chất lượng, được nhân dân tin yêu… Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, thì vấn đề môi trường là chiến lược để bảo đảm phát triển bền vững. Thành phố cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng. Chung quan điểm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, thành phố phải đầu tư mạnh hơn các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, đường kết nối; quy hoạch giao thông phải gắn với quy hoạch hai bên đường để sử dụng hiệu quả quỹ đất... để tạo điều kiện cho phát triển.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, các ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị cao. Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ và ở mức cao nhất từng ý kiến để tập trung hoàn thiện các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, trọng tâm tập trung xem xét, hoàn thiện là các nội dung liên quan công tác xây dựng Đảng; đến quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển và liên kết Vùng Thủ đô; bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, vận hành chính quyền đô thị, phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực phong phú, sẵn có trên địa bàn để thúc đẩy Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10, 14-7-2020.