Dịch vụ vận chuyển đồ ăn trực tuyến phát triển nhanh

Những ngày hè ở Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cảnh các nhân viên giao hàng (shipper) đứng đợi lấy đồ từ các nhà hàng, quán nước để giao đến các cơ quan, công sở... Dịch vụ vận chuyển đồ ăn trực tuyến đang tăng trưởng nhanh chóng khi ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức tiêu dùng mới mẻ này.

Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cho khách hàng. Ảnh: TRỌNG HIỀN
Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cho khách hàng. Ảnh: TRỌNG HIỀN

Chị Dương Thúy Quỳnh (ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) trước đây vẫn thường mang cơm trưa từ nhà đến chỗ làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị chuyển sang lựa chọn hình thức giao đồ ăn trực tuyến trên các ứng dụng như Now, GrabFood, Go Food... Chị chia sẻ:"Thời tiết mùa hè nắng nóng, ai cũng ngại phải đi ra ngoài ăn trưa. Mang đồ ăn đi thì lích kích. Từ khi cài đặt ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, tôi cùng đồng nghiệp thường lựa chọn sử dụng hình thức này. Trên các ứng dụng, mạng lưới hàng quán khá rộng và đầy đủ, phong phú, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, lại hay có các chương trình khuyến mãi cho nên giá cũng hợp lý".

Giống như chị Thúy Quỳnh, việc đặt đồ ăn trực tuyến giao đến tận nơi đã trở thành thói quen, phong cách tiêu dùng của một bộ phận người dân Hà Nội, nhất là giới trẻ. Theo kết quả nghiên cứu mới được Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM công bố, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người dân đô thị khá cao. Cụ thể, 99% người tham gia khảo sát cho biết đã sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất là hai hoặc ba lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng khoảng hai, ba lần/tuần. Trong đó, GrabFood dù mới gia nhập thị trường này, nhưng nhờ mạng lưới lái xe đông, nền tảng gọi xe công nghệ quen thuộc, cho nên đã nhanh chóng vươn lên thành ứng dụng được sử dụng nhiều nhất. Tiếp đến là các ứng dụng như Now của Foody.vn, GoFood của Go-Viet, Vietnammm.com, Eat.vn, Chonmon.vn... Các ứng dụng gọi món trực tuyến không hoạt động riêng lẻ như trước đây mà được tích hợp trong các ứng dụng gọi xe trực tuyến, phần mềm nhắn tin, gọi điện trực tuyến..., tăng tiện ích cho người dùng.

Đối với các nhà hàng, quán ăn, ứng dụng đặt hàng trực tuyến đã đem lại thêm doanh thu. Thậm chí, xuất hiện nhiều đơn vị chỉ cung cấp đồ ăn để giao mang đi. Anh Mai Hùng Sơn, chủ quán cà-phê Mucas (ngõ 29 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) cho biết: “Dù các ứng dụng gọi món trực tuyến thường lấy chiết khấu khá cao, từ 15 đến 25% nhưng bù lại, số lượng hàng bán được từ ứng dụng này cũng tăng từ 20 đến 50% so với kinh doanh thông thường. Với nhiều cửa hàng gặp khó khăn về mặt bằng, vị trí, nhân lực thì đây là cách làm hiệu quả, đem lại lượng khách hàng lớn hơn. Bên cạnh đó, xuất hiện trên các ứng dụng gọi món trực tuyến cũng là cách các nhà hàng quảng bá thương hiệu, truyền thông hình ảnh, tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng. Vào những ngày thời tiết bất lợi, như nắng nóng hoặc mưa gió, hoặc những ngày có chương trình khuyến mãi, số lượng suất ăn được đặt hàng trực tuyến đều vượt mức khách hàng trực tiếp đến cửa hàng”. Không chỉ đem lại thêm doanh thu cho nhà hàng, các lái xe công nghệ cũng tăng thêm được thu nhập khi chuyển sang giao đồ ăn vào các cung giờ buổi trưa, chiều tối. Bên cạnh đó, việc các ứng dụng triển khai kèm theo các hình thức ví điện tử, thanh toán trực tuyến cũng góp phần tăng giao dịch không sử dụng tiền mặt.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch vụ gọi món ăn trực tuyến đang được xem là mảnh đất màu mỡ. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 11%/năm. Tuy nhiên, hiện một số ứng dụng phổ biến đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài (GrabFood của Ma-lai-xi-a, Foody của Xin-ga-po, Go-Viet của In-đô-nê-xi-a...). Một số ứng dụng của các doanh nghiệp trong nước hiện chưa có ưu thế vượt trội so với các đối thủ nước ngoài này.

Tuy phát triển nhanh chóng nhưng thực tế, dịch vụ giao nhận món ăn trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập. Không ít khách hàng phàn nàn khi món ăn được giao đến chậm, đóng gói không cẩn thận và chất lượng đồ ăn không bảo đảm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần có ý thức, nghiêm túc khi trải nghiệm các ứng dụng này. Không ít trường hợp, lái xe đã mua hàng đem đến nhưng người đặt không nhận. Những vấn đề này đòi hỏi các công ty cung cấp ứng dụng từng bước hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Mặt khác, người tiêu dùng có ý thức hơn trong quá trình đặt hàng.