Tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập

Đề thi hay, có tính phân loại cao

Chiều 7-6, gần 95 nghìn học sinh lớp 9 ở Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Toán, khép lại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập (đại trà) năm học 2018 - 2019. Theo đánh giá của học sinh, giáo viên, đề thi không quá khó, kiến thức chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chuẩn bị làm bài môn Ngữ văn. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chuẩn bị làm bài môn Ngữ văn. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Theo ghi nhận của phóng viên ở các điểm thi trường THPT: Chu Văn An (quận Tây Hồ); Việt Đức (quận Hoàn Kiếm); Trương Định (quận Hoàng Mai); Lê Quý Đôn (quận Đống Đa)…, hầu hết thí sinh đều nhận định, đề thi không quá khó, hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa. Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, thí sinh Hoàng Thạch Anh (điểm thi Trường THPT Chu Văn An) cho biết, đề thi không quá khó, nhưng em bỏ mất một câu không làm được, đó là câu 3 của phần 1 “yêu cầu học sinh ghi lại chính xác một câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được học ở chương trình Ngữ văn THCS có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng”, do phần kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa những năm học trước, cho nên em không nhớ ra. Thạch Anh cho biết thêm: Trong đề còn câu 1 phần 2 về tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, nếu bạn nào không đọc kỹ phần chú giải của truyện cũng dễ mất điểm. Còn Trần Gia Bảo, thí sinh điểm thi Trường THPT Trương Định khẳng định, học sinh dễ kiếm điểm ở phần 1 của đề thi, còn phần 2 thì hơi khó đối với những học sinh có lực học trung bình, trung bình khá.

Đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Lê Lan Dung, Tổ phó Tổ Văn Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho rằng, đề thi vừa sức với học sinh, bám sát tình hình thời sự, cho nên đề thi đã chọn bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" làm ngữ liệu. Ở phần 1, đề có câu hỏi quen thuộc với học sinh (câu 1), tác dụng của biện pháp tu từ, có câu hỏi tích hợp kiến thức lớp dưới; câu 2, đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức trường từ vựng ở lớp 8. Yêu cầu của câu 4 về viết đoạn văn nghị luận văn học cũng hoàn toàn quen thuộc với học sinh. Ở phần 2, lấy ngữ liệu "Chuyện người con gái Nam Xương" cũng nằm trong chương trình sách giáo khoa. Các câu hỏi 1, 2 trong phần 2 không quá khó, chỉ cần học sinh nắm được nội dung văn bản là làm được. Ở câu 3, thể loại nghị luận xã hội viết về vai trò của gia đình trong cuộc sống, một đề tài rất gần gũi với mọi người, cho nên học sinh hoàn toàn có thể làm tốt. “Với đề thi này, học sinh học lực khá có thể dành điểm 7 đến 8, học sinh học lực trung bình có thể dành điểm 5 hoặc 6 và ít có điểm dưới trung bình” - cô Lê Lan Dung nhận định.

Chiều 7-6, thí sinh thi môn Toán với thời gian làm bài là 120 phút. Theo nhận định của các em học sinh, đề thi Toán khá khó, đề có tính phân loại cao. Em Hoàng Tuấn Phong ở điểm thi Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết, em chỉ làm được 75% câu hỏi. “Em rất lo, không biết có đạt được số điểm để vào trường theo nguyện vọng đã đăng ký hay không. Nếu thầy cô chấm chặt, chắc em được 7 điểm” - Phong lo lắng nói. Tương tự, một số thí sinh thi tại Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đề thi khá khó, các thí sinh tự chấm, cao nhất cũng chỉ được từ 7,5 đến 8 điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng không khí tại các hội đồng thi khá bình lặng, cha mẹ chờ con ngoài cổng trường rất đông, nhưng không có sự cố nào xảy ra. Tuy nhiên, trong hai buổi thi (Ngữ văn, Toán) có thông tin lộ đề thi ra ngoài. Trước dư luận này, chiều 7-6, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, sau khi tính giờ làm bài hai môn được khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp đề thi môn Ngữ văn và Toán. Sau khi nhận được tin phản ánh, Sở GD-ĐT đã phối hợp Công an TP Hà Nội xác minh hiện tượng trên và xác định một giáo viên Trường THCS Mai Đình (huyện Sóc Sơn) là cán bộ coi thi số 2 mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội. “Giáo viên coi thi mang điện thoại vào phòng thi là vi phạm, việc chụp và chuyển đề thi ra ngoài là vi phạm nặng. Sau khi có kết quả điều tra chính thức từ Công an thành phố, Sở sẽ xử lý kỷ luật giáo viên coi thi này” - ông Lê Ngọc Quang cho biết. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là hiện tượng để lọt đề thi, chứ không phải lộ đề thi. Việc này không ảnh hưởng đến kết quả bài làm của thí sinh. Bên cạnh việc phối hợp với Công an thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo toàn bộ các điểm thi tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong khâu tổ chức thi trong những ngày còn lại.

Sau khi hoàn thành thi hai môn Ngữ văn và Toán trong ngày 7-6, thí sinh đăng ký thi vào các lớp chuyên, trường THPT chuyên tại Hà Nội tiếp tục thi môn Ngoại ngữ điều kiện và môn chuyên trong hai ngày 8 và 9-6.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018- 2019 diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch. Tổng số thí sinh dự thi là 94.499 em, số điểm thi là 185, số phòng thi là 3.976, số thí sinh vắng mặt là 354 em.