Để cải thiện chất lượng không khí

Với lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, mật độ xây dựng cao tại nhiều khu vực, thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những giải pháp quyết liệt hơn, cùng với sự vào cuộc tích cực của người dân để cải thiện chất lượng không khí.

Trạm quan trắc chất lượng không khí được lắp đặt tại khu vực Trung Yên 3 (quận Cầu Giấy). Ảnh: THÁI HIỀN
Trạm quan trắc chất lượng không khí được lắp đặt tại khu vực Trung Yên 3 (quận Cầu Giấy). Ảnh: THÁI HIỀN

Nhà ở đường Tố Hữu (quận Thanh Xuân), còn nơi làm việc ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), cho nên ngày nào anh Nguyễn Hữu Ngọc cũng phải mất cả tiếng đồng hồ để đi lại. “Cứ đi xe máy ra đường là tôi phải bịt khẩu trang kín mít, bởi phương tiện giao thông đông, khí thải nhiều, mà đường Phạm Văn Đồng đang thi công nhiều bụi bẩn, khổ lắm”, anh Ngọc than thở. Không chỉ có tuyến Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng, nhiều cung đường khác của Thủ đô cũng đang chịu cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng như đường Minh Khai, Trường Chinh, Nguyễn Xiển, Lĩnh Nam, Hồ Tùng Mậu…, khi lượng phương tiện tăng cao, cùng với mật độ các dự án xây dựng đang triển khai dày đặc. Điều này lý giải vì sao chỉ số chất lượng không khí trong ba tháng đầu năm 2019 đo được tại nhiều khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện cảnh báo mầu đỏ, tức là ở mức rất nguy hại đối với sức khỏe con người. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giúp cải thiện chất lượng không khí. Tại huyện Đông Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, Hội đang thực hiện đề án thu gom rơm rạ, tránh đốt bỏ gây lãng phí năng lượng và giữ vệ sinh môi trường, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm rơm trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. Triển khai đề án này, Đông Anh đã xây dựng được năm trang trại và 15 cơ sở sản xuất nấm rơm tại các hộ gia đình. Các mô hình này đã thu gom được 575 tấn rơm, rạ để sản xuất khoảng 38 tấn nấm, thu về khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy mô hình vẫn còn nhỏ, song cho thấy hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường rõ nét và đang được huyện tiếp tục nhân rộng.

Ở cấp thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: Năm 2017, Sở được UBND thành phố giao tiếp nhận và quản lý mười trạm quan trắc không khí tự động. Từ đó, chất lượng không khí được theo dõi tự động, liên tục, báo cáo UBND thành phố và công bố kết quả quan trắc hằng ngày trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các tổ chức theo dõi. Đồng thời, hàng loạt các biện pháp cũng đang được triển khai, bước đầu đạt kết quả tốt. Nổi bật là việc hoàn thành kế hoạch trồng một triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; vận động các chủ phương tiện thay thế việc sử dụng xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; không dùng than tổ ong, tuyên truyền người dân hạn chế việc đốt rơm rạ. Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại nhằm hạn chế ô nhiễm bụi. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp

Đối với các hoạt động xây dựng, đồng chí Lê Tuấn Định cho biết, các công trình xây dựng cũng bắt buộc phải được che chắn; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào nội thành và trước khi ra khỏi công trường để giảm thiểu gây bụi bẩn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của thành phố.

Đồng tình với các giải pháp này, tuy nhiên TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, hiện các chính sách liên quan vẫn đang đặt chủ thể chịu tác động là người dân ở “ngoài cuộc”. Do đó, cần phải huy động sự vào cuộc của người dân vào công tác quy hoạch, xây dựng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường. Người dân không chỉ phản ánh, mà phải là chủ thể tích cực nhất, tham gia đồng hành cải thiện môi trường, vì lợi ích của chính bản thân và cộng đồng. Có như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng không khí tại Hà Nội mới đạt hiệu quả cao.