Đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển lưới điện

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đang thi công nhiều công trình lưới điện cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện. Nhưng do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm.

Công nhân thi công trên công trường xây dựng đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín. Ảnh: HUYỀN THƯƠNG
Công nhân thi công trên công trường xây dựng đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín. Ảnh: HUYỀN THƯƠNG

Dự án xây mới đường dây 500 kV tây Hà Nội - Thường Tín dài khoảng 40 km qua địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai và Quốc Oai được triển khai từ năm 2016, thời hạn hoàn thành được giao là quý III-2019. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải phát triển của khu vực nam sông Hồng, nâng cao chất lượng điện năng, bảo đảm cung cấp điện an toàn và tin cậy. Đồng thời, tạo sự linh hoạt trong công tác vận hành lưới điện truyền tải khu vực, nhất là lưới điện 500 kV chung quanh Hà Nội.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, quá trình triển khai dự án còn nhiều vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cho nên tiến độ hoàn thành sẽ chậm hơn kế hoạch. Hiện vẫn còn 14 vị trí chưa được giải tỏa để có thể bàn giao cho nhà thầu xây lắp, dù công tác cung cấp vật tư thiết bị đã hoàn thành đầy đủ. Tại huyện Thường Tín, còn chín vị trí chân móng cột chưa bàn giao mặt bằng do phải dịch chuyển tuyến theo đề nghị của UBND huyện Thường Tín, nhằm tránh khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cắm mốc giới GPMB trên thực địa, cho nên chưa có cơ sở thực hiện. Trên địa bàn huyện Thanh Oai, vẫn còn một vị trí chân móng cột chưa phê duyệt được phương án bồi thường, chưa bàn giao được mặt bằng do các hộ dân đang tranh chấp. Tại địa bàn huyện Chương Mỹ, ở vị trí hành lang an toàn từ khoảng cột 23 đến 24 có tám hộ dân chưa xác nhận được nguồn gốc đất, cho nên chưa xây dựng được phương án bồi thường, tái định cư…

Không chỉ có dự án đường dây 500 kV tây Hà Nội - Thường Tín, nhiều dự án khác mà Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia phụ trách như đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2… cũng bị chậm tiến độ. Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, trong quá trình triển khai các dự án, mặc dù đơn vị đã cố gắng, chủ động phối hợp chính quyền địa phương ngay từ đầu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn xuất hiện các sự việc, phức tạp, chủ yếu liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB… Người dân tại hầu hết các địa bàn có công trình trạm biến áp (TBA) và đường dây đi qua thường xuyên kiến nghị, yêu cầu mức chi trả cao hơn, nằm ngoài quy định pháp luật.

Với các dự án do Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) thực hiện, sáu tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp năm TBA, hạ ngầm hai tuyến cáp và xây dựng mới một đường dây. Tuy nhiên, đơn vị cũng đang bị chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm cấp điện, nhất là tại khu vực trung tâm của thành phố. Nhiều dự án đã phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực. Các dự án quan trọng như xây dựng các TBA 110 kV Tây Hồ Tây, Thủ Lệ, Bắc Thành Công, Đại Kim, Phú Lương; di chuyển địa điểm xây dựng TBA 220 kV Thanh Xuân; thi công đường dây 110 kV Hà Đông - Sơn Tây, cáp ngầm 110 kV Tây Hồ - Yên Phụ… tiếp tục kéo dài thời gian, dù đã nhiều lần lùi thời hạn, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào khai thác.

Đại diện EVN Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu do địa phương muốn ưu tiên quỹ đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cho nên yêu cầu thay đổi vị trí xây dựng TBA so với quy hoạch ban đầu. Ngoài ra, nhiều người dân lo ngại TBA ở gần nơi sinh sống có thể ảnh hưởng đến môi trường, an toàn, cho nên không đồng thuận cho phép triển khai xây dựng. Các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng công trình điện phải xin ý kiến của nhiều đơn vị, mất nhiều thời gian giải quyết.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển điện lực TP Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, việc chậm triển khai, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi các dự án, công trình điện trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn. Trong khi thực tế, nhu cầu sử dụng điện vẫn liên tục tăng cao qua từng năm. Do đó, Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động, nhanh chóng giải quyết các yếu kém, bất cập, tập trung các nguồn lực để thực hiện dự án kịp tiến độ. Đồng thời, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn giải quyết. Các sở, ngành liên quan, nhất là chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, quan tâm xử lý và tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình triển khai xây dựng các công trình điện, nhất là công tác GPMB. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành, ủng hộ thực hiện dự án. Về lâu dài, đề nghị Bộ Công thương, UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình điện để các chủ đầu tư có cơ sở triển khai, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.